Vì vậy, làm sao để giúp phụ nữ vừa giữ gìn giá trị gia đình truyền thống, xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới, vừa khẳng định được vị trí trong xã hội là một vấn đề được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.
Hiệu quả từ các mô hình câu lạc bộ phụ nữ
Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết: Vừa qua, Hội LHPN TP Hà Nội thực hiện đề tài khoa học “Vai trò của phụ nữ và Hội LHPN trong giữ gìn giá trị gia đình truyền thống, xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới”. Từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao vai trò của người phụ nữ, giúp các cấp Hội xác định giải pháp trọng tâm thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc.
Theo PGS.TS Lê Ngọc Văn (chuyên gia độc lập), những giá trị truyền thống trong gia đình như: Thuận vợ, thuận chồng, chung thủy vợ chồng, anh em hòa thuận, con cháu hiếu thảo, uống nước nhớ nguồn, kính trọng người già… giúp cho gia đình truyền thống Hà Nội không xa rời các giá trị truyền thống Việt Nam nhưng tiếp thu được nhiều giá trị nhân văn mới do xã hội công nghiệp mang lại.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, số liệu phỏng vấn bảng hỏi với hơn 600 phụ nữ trong độ tuổi từ 18 trở lên ở 8 phường/xã thuộc TP và hơn 200 cán bộ Hội Phụ nữ các cấp trong năm 2022 cho thấy, có 19,4% phụ nữ cho rằng, họ gặp khó khăn trong giữ gìn giá trị truyền thống, 15,4% phụ nữ gặp khó khăn trong xây dựng gia đình phát triển bền vững do tư tưởng gia trưởng còn tồn tại phổ biến…
Trước thực trạng này, Trưởng ban Tuyên giáo, Hội LHPN TP Hoàng Thu Hồng cho biết, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ TP đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng như sinh hoạt chi, tổ, câu lạc bộ (CLB) phụ nữ, các nhóm phụ nữ giúp nhau, các mô hình dịch vụ gia đình, hội thi, diễn đàn tuyên truyền kiến thức, tập huấn kiến thức nuôi dạy con, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn gia đình; quan tâm tuyên truyền các nhóm nhỏ và tư vấn trực tiếp đến từng đối tượng. Mạng lưới tuyên truyền viên của Hội thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác tuyên truyền.
Trưởng ban Gia đình Xã hội, Hội LHPN TP Trần Thị Minh Nguyệt cũng cho hay: Hội đồng Tư vấn hôn nhân gia đình của Hội đã phát huy vai trò tư vấn, giải quyết các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, các vụ việc về hôn nhân gia đình; chỉ đạo thành lập các mô hình tư vấn liên ngành.
Hội LHPN TP chỉ đạo xây dựng các mô hình CLB giúp hội viên phụ nữ và người dân nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật, kỹ năng xây dựng gia đình, từng bước giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, có ý thức phát huy vai trò, vị trí của gia đình, giữ gìn, vun đắp giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam như: “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Nuôi dạy con tốt”, “Phụ nữ tiền hôn nhân”, “Mẹ chồng nàng dâu”… sinh hoạt theo quý với nội dung phù hợp, gần gũi với chị em.
Ngoài ra, mô hình “Thành phố an toàn” được thực hiện tại 6 quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Đông Anh, Ứng Hòa đã góp phần xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em; duy trì hoạt động của CLB thủ lĩnh cho trẻ em ở các trường học. Mô hình “Làng quê an toàn” dành cho phụ nữ và trẻ em tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên với 12 tiêu chí an toàn và 5 yếu tố cần có, đã thay đổi, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân, đặc biệt là nam giới trong việc tạo dựng môi trường sống an toàn. Mô hình “Dịch vụ gia đình” với 15 CLB giúp việc gia đình ở 3 quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy đã hỗ trợ phụ nữ nhập cư trong tìm kiếm giúp việc gia đình gắn với tuyên truyền nếp sống văn minh đô thị, phòng chống tệ nạn xã hội.
Góp phần xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới
TS Trần Thị Hồng - Trưởng phòng Nghiên cứu phụ nữ và giới, Viện Nghiên cứu gia đình và giới cho rằng, để thúc đẩy hơn nữa vai trò của phụ nữ và Hội LHPN, các hoạt động truyền thông và thúc đẩy bình đẳng giới cần được tiếp tục tăng cường, nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ trong gia đình cũng như xã hội.
Để giữ gìn gia đình truyền thống và xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới, theo Trưởng ban Gia đình Xã hội, T.Ư Hội LHPN Việt Nam Trương Thị Thu Thủy, các cấp Hội cần tăng cường đổi mới về phương thức chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác vận động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình gắn với triển khai thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình trọng tâm của Hội. Đồng thời xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với công tác gia đình; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hiệu quả. Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đề xuất giải pháp liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới, tạo nền tảng vững chắc cho phụ nữ xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Trong thời gian tới, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Hà Nội cũng như các quận, huyện, thị xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về giới, bình đẳng giới, chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ để các cấp, ngành và mọi người dân nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội.