Đặt con số này bên cạnh thống kê của Bộ GD&ĐT về tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong trường học còn cho thấy sự chênh lệch lớn giữa tỷ lệ trẻ thiếu cân ở cộng đồng và trong trường học…
Đảm bảo dinh dưỡng không khó
Con số 10,8% trẻ thành thị và 20,8% trẻ nông thôn suy dinh dưỡng thể nhẹ cân vừa được đưa ra từ cuộc khảo sát do Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp với Công ty FrieslandCampina Việt Nam thực hiện. Kết quả cuộc khảo sát này còn chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại về xu hướng thừa cân, béo phì đang ở mức báo động: 29% trẻ ở thành thị và 5,5% trẻ ở nông thôn. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ GD&ĐT năm học vừa rồi, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở bậc nhà trẻ là 4,3%, mẫu giáo là 4,7%; suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhà trẻ là 5,1%, mẫu giáo là 5,2% (có xu hướng giảm so với năm học trước).
Những con số này như lời nhắc nhở các bậc cha mẹ, cũng như những người làm trong ngành giáo dục khi năm học mới đã đến. Tuy nhiên, những người làm nghề giáo cho rằng, để đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý cho trẻ ở trường không khó. Bà Nguyễn Thị Lan - Hiệu trưởng trường Mầm non Đan Phượng (huyện Đan Phượng) cho biết, nhà trường chỉ cần thu 13.000 đồng/học sinh cho 2 bữa ăn ở trường, nhưng vẫn đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ: "Nhà trường luôn sắp xếp, lên lịch khẩu phần ăn hợp lý, khoa học cho các cháu. Bên cạnh đó, việc kiểm tra sức khỏe cho trẻ từ lúc vào trường đến khi kết thúc năm học được đặc biệt chú trọng. Vì vậy, nhà trường có thể chủ động theo dõi cân nặng của trẻ".
Nhận thức sai về dinh dưỡng
Đây là đánh giá rút ra từ những khảo sát được thực hiện trên gần 3.000 trẻ ở Việt Nam. Ông Trương Văn Toàn - Giám đốc đối ngoại Công ty FrieslandCampina Việt Nam - đơn vị thực hiện cuộc khảo sát cho biết, ngoài tình trạng trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở mức cao thì khảo sát còn cho thấy, trẻ em bị thiếu máu, thiếu sắt vẫn lên tới 20% ở thành thị, 25% ở nông thôn. Nguyên nhân được cho là trong khẩu phần ăn của trẻ thường xuyên thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng như vitamin A, B1, D, C… là những vi chất quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Nhiều người nhận thức sai về dinh dưỡng, dẫn đến tình trạng cho trẻ ăn thức ăn không cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết, không đủ calories hoặc ép trẻ ăn… Các bà mẹ cũng không thể định lượng thức ăn ăn vào cơ thể có cung cấp cho con mình đầy đủ dưỡng chất cần thiết hay không.
Trước thực trạng này, ông Toàn cho biết: "Sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT phát hành miễn phí cuốn "Cẩm nang dinh dưỡng cho trẻ mầm non", đồng thời xây dựng trang tin điện tử phổ biến kiến thức dinh dưỡng chăm sóc trẻ lứa tuổi mầm non để các bậc phụ huynh cũng như thầy, cô giáo dễ dàng tiếp cận thông tin". Cùng với đó, phát động cuộc thi "Tìm hiểu về dinh dưỡng với sức khỏe trẻ mầm non". Cuộc thi trực tuyến này diễn ra với 3 vòng thi (cấp quận, huyện; cấp tỉnh; toàn quốc), từ 9 - 27/9/2013.
Vậy nên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục mầm non năm học 2013 - 2014 là nâng cao chất lượng chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương quản lý chặt chất lượng bữa ăn ở những nơi có tổ chức ăn bán trú, đảm bảo đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng theo quy định và không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Mục tiêu đặt ra cho năm học này là tiếp tục giảm ít nhất 0,5% tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ cân và suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Bữa ăn trưa của các cháu trường Mầm non Tân Hội, huyện Đan Phượng. Ảnh: Anh Quỳnh
|
Nếu các bữa ăn của trẻ được chăm sóc một cách khoa học sẽ cải thiện đáng kể tình trạng suy dinh dưỡng. Vấn đề đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ cũng chính là chìa khoá của sức khỏe quốc gia. Đây là vấn đề quan tâm hàng đầu của Chính phủ, bởi vậy, với bậc học mầm non, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ sức khỏe trẻ ngày càng được quan tâm. Bà Nguyễn Thị Hằng Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT |