Đòi hỏi khắt khe
Sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đạt được nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn. Tính đến tháng 10/2016, cả nước đã có 2.061 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 23% và 27 huyện được công nhận huyện đạt chuẩn NTM, trong đó TP Hà Nội có huyện Đan Phượng và Đông Anh. Bình quân mỗi xã hiện nay đạt 13,1 tiêu chí, tăng 8,4 tiêu chí/xã so với thời điểm cách đây 5 năm khi mới bắt tay vào xây dựng NTM. Những con số đó cho thấy đã có sự gia tăng đáng kể về chất của chương trình NTM. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của giai đoạn mới cũng như quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM là hết sức cần thiết.
Chính vì vậy, ngày 17/10/2016, Chính phủ đã có Quyết định 1980/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 – 2020, thay thế Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu như bộ tiêu chí cũ chỉ có 39 chỉ tiêu thì bộ tiêu chí theo Quyết định 1980 có tới 49 chỉ tiêu. Trong đó tăng thêm một số nội dung về cơ sở vật chất văn hóa, thông tin truyền thông, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, môi trường, tiếp cận pháp luật của người dân… Cụ thể, để đạt được chuẩn NTM, địa phương cấp xã phải có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định. Trong quản lý điều hành phải ứng dụng công nghệ thông tin và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Bên cạnh đó, địa bàn phải đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định, không có khiếu kiện vượt cấp.
Ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh Văn phòng Điều phối NTM T.Ư cho biết, trong số 19 tiêu chí NTM, tiêu chí môi trường được đánh giá là khó nhất và đòi hỏi cao. Tính đến nay, cả nước có 41,4% số xã đạt tiêu chí môi trường, song ở giai đoạn trước, hầu hết các xã, huyện đạt chuẩn NTM đều được châm chước về tiêu chí này. Việc thu gom, xử lý nước thải, rác thải chưa thực sự triệt để. Tuy nhiên, nếu tiếp tục chấp nhận môi trường như vậy, sẽ không xây dựng được môi trường nông thôn đáng sống. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2016 – 2020, tiêu chí môi trường (tiêu chí số 17) được tăng lên 8 chỉ tiêu, trong đó yêu cầu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP.
Thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị
Hiện nay, trên phạm vi cả nước, số xã đạt dưới 5 tiêu chí NTM đã giảm mạnh, trong đó TP Hà Nội không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Mục tiêu của chương trình xây dựng NTM là thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, nhưng thực tế sau 5 năm nhìn lại đã xuất hiện khoảng cách mới giữa ngay các xã trong cùng một huyện. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền cũng có xu hướng gia tăng. Trong khi Hà Nội có 201/386 xã đạt chuẩn NTM thì Bắc Kạn chưa có xã nào đạt chuẩn, hay các tỉnh Điện Biên, Đắk Nông mới có 2 xã đạt chuẩn... Đây là vấn đề mới đặt ra cho sự phát triển đồng đều giữa các vùng, miền cũng như mục tiêu chung của cả chương trình dài hơi này.
Đồng thời, nhiều địa phương chưa chú trọng đúng mức thực hiện các nội dung ở cấp thôn và hộ gia đình. Việc xác định mục tiêu khi bắt đầu chương trình còn bình quân, cào bằng, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn và khả năng huy động nguồn lực tại chỗ. Trong khi đó, việc hướng dẫn tiêu chí chưa phù hợp với đặc thù ở các vùng khó khăn, nhất là tiêu chí về hạ tầng dẫn đến lãng phí, sử dụng chưa hiệu quả. Chính vì vậy, trong Bộ tiêu chí NTM đã có những điều chỉnh đáng kể để phù hợp với từng địa phương. Theo đó, đối với một số tiêu chí, chỉ tiêu như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin truyền thông, tỷ lệ mai táng… phân cấp cho UBND cấp tỉnh, TP quy định tỷ lệ, định mức cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương cũng như đặc điểm văn hóa của từng dân tộc. Điều này cho thấy, tiêu chí NTM ngày càng hướng đến nhu cầu thực chất của người dân nông thôn.
Lý giải thêm về những thay đổi này, ông Tiến cho hay, Bộ tiêu chí NTM theo Quyết định 1980 của Chính phủ được phân chia thành 2 nhóm: Nhóm tiêu cứng và tiêu chí mềm. Trong đó tăng các tiêu chí mềm để nâng chất lượng sống của người dân, còn các chỉ tiêu cứng được điều chỉnh phù hợp với từng địa phương. Ông Tiến cho biết thêm, trong 5 năm qua, các địa phương mới chủ yếu tập trung vào công tác triển khai xây dựng NTM, công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế nên chưa phát hiện được sai phạm kéo dài, nhất là nợ đọng xây dựng cơ bản. Chính vì vậy, trong giai đoạn tới cần tập trung cao hơn cho công tác này. Trao quyền cho huyện, xã nhưng phải tăng cường giám sát để đảm bảo thực hiện phân cấp đúng quy định. Đặc biệt, cần xây dựng các chỉ số giám sát, điều tra sự hài lòng của người dân.
Quyết định 1980 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2016. Chính phủ giao Bộ NN&PTNT tổng hợp hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan để ban hành cẩm nang, tài liệu hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2016 - 2020 cho các địa phương. Đồng thời nghiên cứu, chỉ đạo thí điểm các mô hình NTM kiểu mẫu, đề xuất các tiêu chí nâng cao chất lượng đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho chương trình xây dựng NTM là hơn 193.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách T.Ư là hơn 63.000 tỷ đồng (tăng 3,8 lần so với giai đoạn trước), ngân sách địa phương 130.000 tỷ đồng. Chính phủ cũng đề nghị bố trí 6% kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình và 1 – 1,5% kinh phí cho công tác quản lý, điều hành, giám sát thực hiện chương trình xây dựng NTM. |
Chánh VP Điều phối NTM T.Ư Nguyễn Minh Tiến: Tăng các chỉ tiêu nhằm nâng cao chất lượng Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội Lê Thiết Cương: Chủ động cập nhật những nội dung mới |