Những tác giả có tác phẩm bị loại không bằng lòng đã đành, những tác giả có tác phẩm nằm trong danh sách xét tặng cũng lắc đầu ngao ngán...
Thay đổi vào phút chót
Gần một tháng nay, lĩnh vực điện ảnh nở rộ những tranh cãi về hồ sơ xin xét tặng Giải thưởng Nhà nước của đạo diễn Nguyễn Thước với cụm tác phẩm: "Sự nhọc nhằn của cát", "Những công dân @" và "Chất xám". Nhà biên kịch Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú kịch liệt phản đối tính hợp lệ của bộ hồ sơ này, bởi những tác phẩm là công lao của cả ekip gồm biên kịch, đạo diễn, người viết lời bình… Mặc dù, hồ sơ của đạo diễn Nguyễn Thước nhận được sự đồng tình của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng như việc bảo vệ quan điểm đã làm đúng luật của Hội Điện ảnh Việt Nam, nhưng sau khi xem xét kiến nghị của hai nhà biên kịch trên, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải đã gửi ý kiến của Hội đồng xét duyệt cấp cơ sở cho Hội Điện ảnh Việt Nam. Công văn ghi rõ: Đề nghị Hội đồng cấp cơ sở Hội Điện ảnh Việt Nam thông báo với đạo diễn Nguyễn Thước, đề nghị đạo diễn Nguyễn Thước bổ sung ý kiến đồng thuận, nhất trí của các đồng tác giả của cụm tác phẩm nêu trên, thống nhất đồng ý để đạo diễn Nguyễn Thước trình Hội đồng cấp trên xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho cụm tác phẩm: "Sự nhọc nhằn của cát", "Những công dân @" và "Chất xám". Như vậy, đạo diễn Nguyễn Thước không được quyền gửi các tác phẩm dự thi độc lập mà cần có sự đồng thuận của nhà biên kịch và các thành phần liên quan.
Trong khi đó, 5 nhạc sĩ "lão làng" của Việt Nam (Đoàn Bổng, Đinh Quang Hợp, Ngọc Khuê, Thế Song, Lê Việt Hòa) thì phản đối đề cử giải thưởng trong lĩnh vực âm nhạc. 5 nhạc sĩ chung quan điểm là nhiều hồ sơ trong số 28 hồ sơ "qua cửa" Hội đồng xét duyệt cấp cơ sở lên Hội đồng xét duyệt cấp Bộ không xứng đáng. Điều bất ngờ là sau những ý kiến phản đối của 5 nhạc sĩ này, ngày 5/7, Hội đồng xét duyệt cấp cơ sở của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã bổ sung 5 hồ sơ của 5 tác giả trên vào danh sách đề nghị xét duyệt cấp Bộ.
Buồn mỗi mùa giải
Tranh cãi, kiện tụng như đã thành thường lệ ở mỗi mùa xét giải. Còn nhớ năm 2006, nhạc sĩ Trọng Bằng bị phanh phui nghi án "đạo nhạc" và phải rút lui khỏi giải thưởng này. Năm nay, lại là "cuộc chiến" của những "lão làng" với những người được cho là không xứng đáng. Chung qui cũng tại các nghệ sĩ đơn phương bảo vệ ý kiến của mình mà không có một tiếng nói chính thức nào của Hội nghề nghiệp hay Hội đồng xét duyệt cấp cơ sở. Chính vì thế, mới xảy ra trường hợp 5 nhạc sĩ không vừa lòng với thông tin hồ sơ của mình được bổ sung. Theo các ông, đây được xem là "vé vớt" và cũng "chẳng được ai thông báo". Cái mà các nhạc sĩ cần không phải là có danh hiệu mà là một sự minh bạch. Bên phía Hội Điện ảnh Việt Nam cũng vậy, dù Chủ tịch Đặng Xuân Hải khẳng định: Đã gửi thông báo đến các chi hội, giải thích vấn đề đạo diễn có quyền gửi tác phẩm xét tặng Giải thưởng Nhà nước, nhưng có lẽ chưa "thấu tình đạt lý" nên những đáng tiếc vẫn cứ xảy ra.
Giải thưởng Nhà nước là vinh dự của tác giả - một sự ghi nhận đối với sáng tác của họ. Tuy nhiên, cũng giống như với việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, các nghệ sĩ phải làm hồ sơ "xin" xét duyệt. Mà đã là cơ chế xin - cho, tránh sao khỏi chuyện tranh cãi, kiện tụng. Chưa kể nhiều nghệ sĩ còn cho rằng, làm hồ sơ tự "khen" mình để xin giải và xin danh làm tổn thương đến tự trọng nghệ sĩ.