Về mức dư nợ vay, tại điểm b khoản 6 Điều 7 của Luật ngân sách Nhà nước năm 2015 quy định: “Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lớn hơn chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp”. Như vậy, theo quy định này thì mức dư nợ vay của ngân sách TP Hải Phòng không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TP trong thời gian tới là rất lớn nên mức khống chế 30% này gây khó khăn trong công tác huy động vốn, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển theo định hướng, chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của địa phương. Do vậy, Chính phủ đề nghị cho phép nâng mức dư nợ vay của ngân sách TP thêm 10%: “Mức dư nợ vay của ngân sách TP không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi NSNN hàng năm được Quốc hội quyết định”. Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ vì thực tế cho thấy, TP Hải Phòng có nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn trong khi việc hỗ trợ bổ sung có mục tiêu từ ngân sách T.Ư cho địa phương còn hạn chế. Vì vậy, việc nâng mức dư nợ vay như Chính phủ trình sẽ góp phần giúp TP có thêm cơ hội và điều kiện trong việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, đồng thời, mức dư nợ vay 40% cho ngân sách TP Hải Phòng cũng tương đồng với mức dư nợ vay của TP Đà Nẵng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.