Tại buổi tọa đàm, nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học KTQD đã đưa ra nhận định: “Việt Nam cần 12 năm nữa để bắt kịp mức năng suất lao động (NSLĐ) hiện nay của Indonesia và Philippines, và 20 năm để bắt kịp Thái Lan”. Nhận định này đã một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về sự yếu kém trong NSLĐ của người Việt.
Khi so sánh tăng trưởng NSLĐ giữa các quốc gia trong khu vực, TS Hồ Đình Bảo (Đại học KTQD) nhận thấy, tốc độ tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam có dấu hiệu giảm dần nếu xét theo từng giai đoạn. Cụ thể giai đoạn 1991 – 1997, NSLĐ tăng 0,06%; giai đoạn 1997 – 2008 tăng 0,05%; đến giai đoạn gần đây 2008 – 2012 thì NSLĐ chỉ tăng 0,04%. Trong khi đó, NSLĐ của người Lào có các mức tương ứng là 0,04% – 0,04% – 0,05%. NSLĐ của Ấn Độ cũng tăng trưởng theo chiều hướng tích cực từ 0,04% - 0,05% - 0,06%...
“Nếu giả định các nước có cùng tốc độ tăng trưởng NSLĐ như hiện nay thì phải 20 năm nữa Việt Nam
mới có thể xóa bỏ cách biệt về NSLĐ so với Indonesia và Philippines, với Thái Lan là 50 năm” – TS Bảo nhận định.
Chia sẻ nỗi quan ngại này, TS Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam nói: “Năng suất thấp là nỗi đau lòng của chúng ta, năng suất bình quân của các nước ASEAN đang cao gấp 2,3 lần Việt Nam, trong khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NSLĐ của nước ta phải nằm ở top trên của khu vực”. Cũng theo vị chuyên gia này, NSLĐ của người Lào đang bám sát Việt Nam, Myanma cũng sắp vượt qua chúng ta.
NSLĐ là một trong những thước đo năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì thế NSLĐ giảm thấp sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh, kéo theo sự trì trệ của tăng trưởng kinh tế chung. Nhận định tình hình kinh tế Việt Nam từ nay tới cuối năm, GS.TS Võ Thắng Lợi cho rằng, mặc dù về mặt con số Việt Nam hoàn toàn có thể đạt GDP tăng 6,5% năm nay, nhưng cần phải nhìn nhận thực tế là “đoàn tàu” kinh tế Việt Nam đang đi nghiêng, cụ thể là tăng trưởng chủ yếu dựa vào khu vực FDI. Các số liệu tăng trưởng xuất khẩu, công nghiệp... đều cho thấy phần đóng góp rất lớn của khu vực FDI. Trong khi đó, những ngành vốn là chủ lực của DN trong nước có chiều hướng tăng trưởng âm. Ví như trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu thủy sản, lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su... đều suy giảm trong thời gian qua, ngay cả ngành du lịch cũng có chiều hướng giảm.
Trước bối cảnh kinh tế như vậy, nếu không cải thiện mạnh mẽ NSLĐ, đẩy mạnh tái cấu trúc các ngành kinh tế thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ khó đạt mức kỳ vọng vào các năm tới, “đoàn tàu” kinh tế sẽ tiếp tục đi nghiêng là rất đáng lo ngại.
GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng trường Đại học KTQD chủ trì Tọa đàm
|
“Nếu tính NSLĐ theo giờ công, trong năm 2012, một giờ lao động của một người lao động Singapore tạo ra được 49,5 USD giá trị gia tăng, người Nhật Bản tạo ra 38,4 USD, người Hàn Quốc tạo ra 24,4 USD, người Malaysia tạo ra 20,5 USD... Trong khi đó, một giờ của một người lao động Việt Nam chỉ tạo ra được 3,4 USD” (Nguồn: Báo cáo Năng suất 2014 của Tổ chức Năng suất Châu Á) “Khu vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 20% GDP nhưng lại tạo ra việc làm cho khoảng 50% lao động của nền kinh tế. Vì thế, NSLĐ của khu vực này rất thấp, chỉ xấp xỉ bằng 40% NSLĐ của nền kinh tế” (TS Hồ Đình Bảo, Đại học KTQD) |