Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năng suất lao động thấp là hòn đá tảng cản đà tăng trưởng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/10, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về tình hình...

Kinhtedothi - Ngày 30/10, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về tình hình kinh tế – xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng qua đã dần ổn định, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực.

Nhưng nhìn nhận khách quan thì rõ ràng nền kinh tế đang bộc lộ những ”điểm yếu chết người” đó là tình trạng bội chi ngân sách lớn; nợ công áp trần; nợ xấu cao; tình trạng DN phá sản, ngừng hoạt động, người lao động thất nghiệp và ở đâu đó nhen nhóm hiện tượng ”bần hàn sinh đạo tặc” với những vụ án hình sự, cướp của giết người tăng, tai nạn giao thông chưa giảm nhiều, y đức, y thuật, giáo dục, đào tạo đều có những vấn đề nổi cộm khiến dư luận, người dân lo lắng.

Yếu tố “giá rẻ” của lao động cũng không còn đủ sức cạnh tranh

ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng: Trong khi tiến trình hội nhập sâu rộng đã ở sát bên thì cỗ xe kinh tế lại dường như đang hụt hơi và gần như hết gia tốc để tiếp tục đường đua.

Đi sâu vào vấn đề vấn đề năng suất lao động, ĐB nhận xét: ”Từ góc độ các yếu tố đầu vào, một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào 3 yếu tố chính là vốn, lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp TFP. Còn mô hình tăng trưởng kinh tế của chúng ta thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng dựa chủ yếu vào 2 yếu tố chính là vốn và lao động (tỷ trọng đóng góp của TFP là không đáng kể).

Tuy nhiên, qua báo cáo và thảo luận chúng ta đều đã thấy yếu tố vốn của chúng ta sắp tới là rất khó khăn, do nợ công đã sắp tới ngưỡng trần, đi vay khó khăn và việc làm thế nào để cải thiện hiệu quả đầu tư công vẫn còn là câu chuyện tiếp tục phải bàn. Về yếu tố lao động, Việt Nam đang ở giai đoạn ”dân số vàng”, đồng nghĩa với việc đang chuyển dần sang ”già hóa” dân số và tương ứng là quy mô lao động không thể tăng thêm như giai đoạn 2005-2010. Vì vậy, tôi cho rằng vấn đề nâng năng suất lao động hiện nay là hướng đi quan trọng mang tính chất ”sống còn” giúp chúng ta tiếp tục tăng trưởng bền vững, hội nhập và cạnh tranh với các nền kinh tế khác.
Năng suất lao động thấp là hòn đá tảng cản đà tăng trưởng - Ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội).

ĐB Nguyễn Phi Thường cũng dẫn ra những con số: Việt Nam có đến 50% lao động chưa qua đào tạo; năng suất lao động thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Đồng thời đặt câu hỏi: ”Cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực cho phép lao động có tay nghề cao, của 10 quốc gia thành viên của ASEAN được di chuyển tự do hơn trong khu vực. Vậy chiến lược của chúng ta khi hội nhập thị trường lao động rộng lớn này ra sao? Và rất có thể yếu tố “giá rẻ” của lao động Việt Nam cũng không còn đủ sức cạnh tranh trên sân nhà”.

3 giải pháp nâng chất lượng nguồn nhân lực

Đề nghị Chính phủ cần nhìn lại vấn đề tái cơ cấu nguồn nhân lực một cách nghiêm túc, bởi nguồn nhân lực có chất lượng chính là chìa khóa cho tăng trưởng bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, ĐB Nguyễn Phi Thường phân tích các nguyên nhân khiến năng suất lao động thấp: Nguyên nhân đầu tiên chính là chất lượng lao động. Lao động Việt Nam còn khá nhiều điểm hạn chế như lực lượng lao động tuy đông về số lượng nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, ít qua đào tạo. Hệ thống giáo dục đào tạo thiên về dạy lý thuyết hơn là kỹ năng.

Cùng với sự chưa nhịp nhàng giữa “cung” của giáo dục và “cầu” của thị trường và những bất cập của hệ thống đào tạo ĐH hàng năm có hàng chục ngàn sinh viên ra trường không có việc làm; Việc tổ chức lao động chưa khoa học, doanh nghiệp phần nhiều quản trị theo thói quen và khá tùy tiện. Bộ máy hành chính của chúng ta thì quá cồng kềnh và hiệu quả, năng suất lao động thì như có ý kiến đã nêu là có “1/3 công chức cắp ô” tiêu tốn một nguồn chi thường xuyên khồng lồ của ngân sách.

“Một nguyên nhân khác, đó là do công nghệ lạc hậu. Hàm lượng công nghệ các ngành xuất khẩu của Việt Nam hầu như không thay đổi sau 10 năm. Tỷ trọng các ngành sử dụng công nghệ cao chỉ chiếm 12-13%, công nghệ trung bình khoảng 10%, công nghệ thấp chiếm trên 60%, trong khi các quốc gia khác trong khu vực đều có các ngành công nghệ trung, cao chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu”, ĐB nhận định.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ĐB Nguyễn Phi Thường đưa ra 3 giải pháp: “Một là, nhanh chóng đổi mới hơn nữa hệ thống giáo dục - đào tạo để sản phẩm đầu ra là đội ngũ lao động có trình độ, kỹ năng, đạo đức, văn hóa văn minh và bản lĩnh vượt khó. Ở đây tôi muốn nhắc đến đất nước Nhật Bản, tôi cho rằng đó là mô hình đáng học hỏi. Ở Nhật Bản học sinh được dạy trong trường học rằng đất nước Nhật Bản nhiều thiên tai, không có tài nguyên thiên nhiên, chỉ có duy nhất tài nguyên là con người Nhật Bản. Do đó chỉ có con đường học hỏi, rèn luyện bản lĩnh vượt khó khăn đưa đất nước phát triển. Nhờ vào nguồn nhân lực mà đất nước Nhật Bản có sự vùng lên, phát triển diệu kỳ sau khi thua cuộc và bị tàn phá trong thế chiến thứ 2. Hai là, thực hiện kế hoạch chuyển dịch cơ cấu lao động sang các ngành kinh tế phi nông nghiệp và thực hiện chiến lược tổng thể về xây dựng kỹ năng cho người lao động. Trong đó, Chính phủ giữ vai trò xây dựng khung chính sách nhằm tạo sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề với người lao động, doanh nghiệp; tăng chất lượng thông tin, tạo động lực khuyến khích mạnh mẽ hơn nhằm giúp người lao động lựa chọn các ngành nghề và được đào tạo kỹ năng phù hợp với công việc hiện đại. Ba là, phải tăng cường đầu tư thực chất và hiệu quả cho phát triển khoa học công nghệ”.