Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng tầm Thủ đô trong quá trình hội nhập

TS.KTS Hoàng Hữu Phê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với vai trò là đầu tàu về kinh tế - chính trị của cả nước, Hà Nội đã nhận rõ vai trò quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình phát triển. Xây dựng một thành phố thông minh (hay còn được gọi là Smart City) không chỉ đáp ứng những nhu cầu về tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống người dân mà còn nâng tầm Thủ đô trong quá trình hội nhập toàn cầu hóa.

Thành tựu của thế giới

Trước sức ép về gia tăng dân số và nhu cầu được hưởng thụ cuộc sống ngày càng cao, những nước phát triển đã nhanh chóng nắm bắt lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để xây dựng nên một “nơi chốn” đầy tiện nghi, hiện đại được gọi là “thành phố thông minh”. Tất các các thông tin liên quan đến dịch vụ phục vụ đời sống con người đều được internet kết nối đến từng cá nhân thông qua một sản phẩm công nghệ thông minh (Smart technology products).

Hoạt động giám sát kiểm tra từ xa hệ thống cấp thoát nước Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Châu Âu và Bắc Mỹ là những địa bàn đầu tiên xây dựng thành công những Smart City, tiếp theo đó là các quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại châu Á, Seoul (Hàn Quốc) là thành phố thông minh nhất xét về mặt quản trị kỹ thuật số và dữ liệu công nghệ. Toàn TP có hơn 1.200 bộ dữ liệu mở cho người dân, là TP đi đầu trong việc sử dụng các công cụ hỗ trợ người dân tham gia và đóng góp ý kiến trong việc lập các kế hoạch trực tuyến.

Trong khi đó, Singapore là TP có công nghệ tiên tiến và sạch sẽ hạng nhất thế giới và cũng là TP có lượng khí thải carbon thấp nhất thế giới với 2,7 tấn/người. Ngoài ra, rất nhiều các TP khác như Tokyo, Osaka (Nhật Bản); Đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc); Sydney, Perth, Melbourne (Australia); Putrajaya, Iskandar (Malaysia)... cũng đã rất thành công trong việc ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý Smart City.

Mỗi một Smart City ở các quốc gia này đều được vận hành theo cách khác nhau, tùy thuộc và điều kiện thực tế của từng khu vực. Nhưng điểm chung là khi xây dựng các Smart City, các chính quyền đều xoay quanh vấn đề về môi trường và phát triển bền vững. Cụ thể, ưu tiên phát triển các công trình xanh: Ví dụ ở Seoul (Hàn Quốc) dự án thành phố thông minh có trên 40% không gian xanh, đó là những công trình xanh đạt chuẩn, kết hợp với hệ thống ngầm vận chuyển chất thải đến một cơ sở xử lý và được chuyển đổi thành năng lượng. Ở Osaka (Nhật Bản), các Smart home có hệ thống quản lý và cung cấp năng lượng sạch giúp giảm 88% điện năng tiêu thụ so với nhà ở thông thường. Đặc biệt là giải pháp sử dụng xe điện khi tham gia giao thông và chuyển đổi 100% sử dụng năng lượng mặt trời để sưởi ấm cho các tòa nhà... Bên cạnh đó, các thành phố thông minh cũng quan tâm tới việc chuyển đổi phương thức quản lý nước và rác thải đô thị.

Đẩy nhanh mục tiêu số hóa dữ liệu

Thủ đô Hà Nội nói riêng và các đô thị Việt Nam nói chung, khi bắt tay vào xây dựng những Smart City có lợi thế là được thừa hưởng nền tảng khoa học công nghệ đồng bộ, đã thành công ở các quốc gia. Tuy nhiên, khó khăn nhất là chúng ta chưa có kinh nghiệm thực tế, chưa có bất cứ một Smart City nào được đưa vào vận hành nên không thể trực tiếp rút kinh nghiệm hay có những kế hoạch dự phòng với những phát sinh có thể xảy ra.

Hơn nữa, các đô thị ở Việt Nam thực hiện tiến trình đô thị hóa có điểm khác biệt hoàn toàn so với các nước phát triển. Nếu như ở các nước phát triển, đô thị hóa được hình thành từ công nghiệp hóa, thì ở Việt Nam, đô thị hóa được hình thành từ các nhu cầu mở rộng dịch vụ, người dân đã sớm được tiếp cận những thông tin dịch vụ qua các thiết bị công nghệ.

Với vai trò đầu tàu của mình, Thủ đô Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu số hóa các cơ sở dữ liệu thông tin, đây là bước đệm quan trọng để xây dựng một thành phố thông minh. Muốn làm được điều này thì cần phải chú trọng vào một số vấn đề chính. Thứ nhất, Hà Nội cần phải mạnh dạn bắt tay vào thực hiện ngay, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm để tìm ra những hướng đi phù hợp. Trong quá trình thực hiện phải xác định rõ đâu là trọng tâm và phải phù hợp với điều kiện thực tế của Thủ đô, vấn đề này không còn là thách thức bởi Hà Nội đã xây dựng được tiêu chí phát triển, Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”.

Thứ hai, trong quá trình thực hiện phải đặc biệt chú trong đến nguồn lực xã hội hóa, không nên quá nặng hoặc quá áp đặt theo kiểu cơ chế, thu hút tối đa các nguồn lực từ “người dân” (người dân ở đây không chỉ là quần chúng Nhân dân mà bao gồm các DN, tổ chức, cá nhân) để cùng thực hiện, có như vậy thì mới nhanh chóng và hiệu quả.

Thứ ba, phải mở rộng hơn nữa sự tương tác giữa chính quyền với người dân. Người dân được tham gia nhiều hơn và thiết thực hơn trong việc đóng góp ý kiến trong công tác quy hoạch, định hướng. Có như vậy sẽ tạo ra sự tin tưởng, ủng hộ nhiều hơn từ người dân với chính quyền, điều đó mang lại thành công và là mô hình “thành phố thông minh” thực chất.