Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng tầm thương hiệu nhà kẻ truyền Hương Ngải

Bài, ảnh: Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hương Ngải là địa phương "nhất làng - nhất xã" của huyện Thạch Thất không chỉ nổi tiếng với truyền thống khoa bảng bậc nhất xứ Đoài mà còn nổi danh với nghề làm nhà gỗ kẻ truyền.

Sự hưng thịnh của nghề lắm công phu này đã góp phần quan trọng trong việc khôi phục kiến trúc nhà gỗ cổ đã và đang bị mai một.

Thu nhập tăng cao

Không ai nhớ rõ nghề làm nhà kẻ truyền xuất hiện ở Hương Ngải từ bao giờ, nhưng theo sử sách ghi lại, nghề đã có ở làng từ hàng trăm năm nay. Một số công trình tiêu biểu có bàn tay người thợ Hương Ngải tham gia phục dựng như Nhà Thái Học - Văn Miếu Quốc Tử Giám, nhà cổ ở làng Đường Lâm – Sơn Tây. Bên cạnh đó, họ cũng là những tác giả thiết kế và xây mới chùa Triệu Khánh, chùa Tổng, đình Đông Lao, chùa Hòe Nhai ở Hà Nội, chùa Cảng ở Hải Phòng... Theo các nghệ nhân cao niên trong làng, để làm được một ngôi nhà kẻ truyền đẹp, quan trọng nhất là khâu lựa chọn gỗ nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như độ bền cho ngôi nhà. Chẳng vậy mà thời gian hoàn thành một ngôi nhà kẻ truyền 5 gian phải mất một năm nếu làm hoàn toàn thủ công hoặc nhanh thì mất từ 2 - 3 tháng nếu có máy móc hỗ trợ.
 Thợ làng Hương Ngải đang dựng mới một ngôi nhà kẻ truyền.

Giá thành hoàn thiện một ngôi nhà kẻ truyền cũng "muôn hình vạn trạng". Chẳng hạn nếu nhà 5 gian làm bằng gỗ xoan, mức chi phí dao động từ 300 – 350 triệu đồng nhưng làm đủ cột thì phải lên tới 500 – 600 triệu đồng, trong khi nhà làm bằng gỗ mít mà đủ cột thì có thể lên tới 5 tỷ đồng. Song, cao cấp nhất là nhà làm bằng gỗ hương và bình dân nhất là nhà làm bằng gỗ dổi.

Ông Vũ Minh Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Hương Ngải cho hay, toàn xã có hơn 2.500 hộ, trong đó có 500 hộ làm nghề. Nghề làm nhà kẻ truyền mang tính "cha truyền con nối" nên ở Hương Ngải một gia đình có mấy đời làm nghề là không hiếm. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 29 triệu đồng/người/năm nhưng thu nhập của người làm nhà kẻ truyền đạt mức 40 triệu đồng/người/năm.

Gìn giữ nghề truyền thống

Nghệ nhân làm nhà kẻ truyền ở Hương Ngải Nguyễn Ngọc Ngọ năm nay bước sang tuổi 71, nhưng đã có 54 năm làm nghề. Ông kể, từ lúc lên chín, lên mười đã được ông nội, rồi cha dạy những lỗ đục, nét chạm đầu tiên và cho đến bây giờ hình ảnh đó vẫn in đậm trong tâm trí ông. "Còn nhớ, thời bao cấp kinh tế khó khăn, nhiều người không có việc làm nhưng những cánh thợ quê tôi đã kẽo kẹt đồ nghề đi làm khắp nơi với mức ngày công rất khá. Ngày nay, thợ mộc dựng nhà làng Hương Ngải cũng làm không hết việc" – ông Ngọ nói.

Đến tuổi này, điều ông Ngọ tự hào nhất là đã làm tròn trách nhiệm giữ nghề và phát triển nghề. Lẽ ra ở cái tuổi dưỡng già vui vầy bên con cháu nhưng chưa giây phút nào ông Ngọ ngừng say mê với nghề làm nhà kẻ truyền. Niềm say mê ấy đã thôi thúc ông Ngọ duy trì việc truyền dạy nghề cho lớp trẻ, con em quê hương và cả những thanh niên ở các địa phương khác muốn học hỏi. Muốn thành nghề, người học bắt buộc phải vừa làm vừa học liên tục từ 3 – 4 năm và phải tiếp tục kiên trì 7 – 8 năm mới trở thành thợ giỏi.

Bên cạnh làm nhà kẻ truyền mang kiến trúc truyền thống chuẩn mực, người thợ Hương Ngải còn làm theo yêu cầu đa dạng của khách hàng. Chẳng vậy mà khách mượn thợ Huơng Ngải làm nhà hay tu sửa đình, chùa trải dài khắp trong Nam ngoài Bắc. Tại chính làng Hương Ngải, khoảng 5 năm trở lại đây, ngày càng nhiều hộ gia đình có điều kiện cũng đầu tư vài trăm triệu đến cả tỷ đồng để xây mới nhà ở theo kiến trúc nhà cổ. Họ vẫn luôn tin rằng, nhà kẻ truyền với vẻ đẹp cổ điển hoàn mỹ và không gian sống gần gũi, mộc mạc sẽ mãi là tuyệt phẩm của kiến trúc truyền thống Việt Nam.