Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng tầm thương hiệu du lịch Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 14/6, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Ban Thường vụ Thành ủy đã nghe và cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết về phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020.

Đây là một trong hai Nghị quyết chuyên đề được Thành ủy chọn để tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ này.

Đánh thức tiềm năng

Theo dự thảo Nghị quyết, sau gần 10 năm thực hiện Đề án phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2007 – 2015, lượng khách du lịch đến Hà Nội luôn giữ tốc độ tăng trưởng khá, hơn 10%/năm, số lượng chiếm khoảng 1/3 khách du lịch cả nước. Tổng thu từ du lịch tăng ổn định, bình quân 15%/năm, năm 2015 đạt gần 55 nghìn tỷ đồng.
Khách du lịch tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Phạm Hùng
Khách du lịch tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên, Dự thảo Nghị quyết cũng như ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy đều cho rằng, hiệu quả kinh tế du lịch Thủ đô chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng. TP còn thiếu những khu, điểm du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm tầm cỡ quốc gia và quốc tế; chưa có các sản phẩm du lịch đặc thù; hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả thấp.

Dự thảo Nghị quyết nêu 5 quan điểm phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020, xác định phát triển du lịch chất lượng cao, theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, tạo nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác như du lịch triển lãm, làng nghề, sinh thái…

Dự thảo cũng đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là tăng cường tuyên truyền, quảng bá, hợp tác thu hút khách du lịch; rà soát, bổ sung quy hoạch; phát triển sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, đồng bộ, chất lượng và xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ, đầu tư du lịch; tăng cường quản lý Nhà nước, liên kết phát triển du lịch. Theo đó, TP sẽ rà soát Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến 2030, lập và triển khai quy hoạch 6 cụm du lịch: Trung tâm Hà Nội; Sơn Tây – Ba Vì; Hương Sơn – Quan Sơn; núi Sóc – hồ Đồng Quan; Vân Trì – Cổ Loa; Hà Đông và các vùng phụ cận. Bên cạnh đó, lập và triển khai khu du lịch Ba Vì – Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2030; đầu tư bảo tồn, phát triển hai làng nghề truyền thống kết hợp du lịch: gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Góp ý vào Dự thảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho rằng: Cần quan tâm đến 3 giải pháp về thủ tục hành chính, cơ chế chính sách và đầu tư, khớp nối hạ tầng. “Chúng ta có thể làm điểm một số dự án được tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục hành chính, nhằm tạo niềm tin, để DN thấy được TP thực sự cởi mở trong việc kêu gọi đầu tư” - ông Vũ Đức Bảo nói. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch MTTQ Vũ Hồng Khanh đề nghị TP cần tăng cường xúc tiến đầu tư du lịch, xây dựng thêm những điểm nhấn mang tính khu vực, các hoạt động văn hóa lớn để thu hút cả khách nội địa.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, song song với việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết, TP đã và đang triển khai rất nhiều công việc liên quan nhằm thúc đẩy du lịch Thủ đô, để “ngành công nghiệp không khói” này mang lại hiệu quả thực sự. Như việc trồng mới cây xanh; làm xanh – sạch – đẹp cảnh quan, đường phố, xây dựng thêm một số khách sạn quy mô hàng trăm phòng. TP cũng đã tổ chức hội thảo quốc tế, nghe các chuyên gia góp ý về hướng phát triển du lịch Hà Nội; chủ động làm việc với các nhà đầu tư triển khai một số công viên, khu vui chơi giải trí lớn, mang tầm cỡ khu vực, quốc tế để thu hút du khách.

Chú trọng nhân lực, hạ tầng
Dự thảo Nghị quyết đến năm 2020, Hà Nội đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình 8 – 10%/năm. Tổng thu từ du lịch đến năm 2020 đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 15 – 17%/năm.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, vấn đề số một của TP hiện nay phải tập trung làm tốt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thì DN có tầm cỡ mới đến và đầu tư phát triển du lịch Hà Nội.

Theo Bí thư Thành ủy, thời gian qua, thời gian giải quyết TTHC cũng rút ngắn đáng kể, được người dân đánh giá cao. “Có DN nói với tôi lần đầu tiên được cấp giấy phép xây dựng ở Hà Nội mà chỉ trong có 12 ngày" - Bí thư Thành ủy kể, đồng thời cho rằng, TP chỉ cần “cởi trói”, nhà đầu tư sẽ tự khắc tìm đến. Tương tự như vậy, vấn đề nhân lực cho ngành du lịch cũng cần đầu tư, tính toán kỹ. Như một hướng dẫn viên ngoài khả năng ngoại ngữ, cũng phải am hiểu lịch sử, văn hóa Hà Nội, có vậy mới truyền tải, hấp dẫn được du khách.

Phân tích những yếu kém của hạ tầng du lịch hiện nay, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, bên cạnh việc có cơ chế thu hút DN, TP cũng cần lựa chọn những nhà đầu tư thực lực, vừa có nguồn lực tài chính vừa có nguồn lực chất xám. Bởi trong khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, giao cho DN hàng trăm ha để xây dựng công viên, nhưng lại làm “không đến nơi đến chốn” sẽ rất lãng phí. “Dân phê bình đã đành, nhưng cái chính là chúng ta để lại cái gì cho mai sau, để lại cái gì để các thế hệ người Hà Nội người ta tự hào, người dân cả nước tự hào” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.