Sinh viên các cơ sở GDNN đang thi nghề Đồ họa vi tính tại Kỳ thi tay nghề TP Hà Nội 2019, do Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức. Ảnh: Thủy Trúc |
Phấn đấu 75% lao động qua đào tạo có chất lượng
Theo mục tiêu của Đảng bộ TP, năm 2019, Hà Nội sẽ đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo 67,5% và đến năm 2020 sẽ là 70 - 75%. Nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội luôn quan tâm chỉ đạo triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn nêu rõ: Chương trình 04 của Thành ủy ưu tiên đầu tư cho 3 trường cao đẳng nghề (CĐN) của TP thành trường chất lượng cao có những ngành đạt chuẩn khu vực và thế giới. Hà Nội có 14 trường CĐ và trung cấp được Bộ LĐTB&XH đưa vào danh sách đầu tư trọng điểm với 22 nghề đạt tiêu chuẩn quốc gia, khu vực, quốc tế. Do đó, hàng năm, Bộ LĐTB&XH đều bố trí kinh phí từ chương trình mục tiêu để đầu tư cho các trường, ngành nghề trọng điểm theo lộ trình. Mặt khác, TP đã ban hành kế hoạch bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên các trường công lập. Đến nay đã có 243 lượt giáo viên các cơ sở GDNN của TP được đào tạo kỹ năng nghề đạt trình độ quốc tế ở trong và ngoài nước.
Để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có chất lượng cao, hiện nay TP có hai trường (CĐN Công nghiệp Hà Nội và CĐN Công nghệ cao Hà Nội) được Bộ LĐTB&XH thẩm định và cho phép dạy thí điểm chương trình đào tạo nghề của Đức, Australia. Học sinh, sinh viên (HSSV) khi học xong, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế được cấp song bằng (Việt Nam, quốc tế). Ngoài ra, TP cũng ban hành nhiều chính sách để thu hút giáo viên giỏi vào các trường nghề để giúp nâng cao năng lực đào tạo về chuyên môn. Đặc biệt, không chỉ những trường được đầu tư thành trọng điểm quốc gia, khu vực, thế giới mà tất cả các cơ sở GDNN khác đang thay đổi rất mạnh mẽ, chuyển hướng từ đào tạo cái sẵn có sang theo nhu cầu của xã hội, DN. Đồng thời kết hợp chặt chẽ với DN trong quá trình tổ chức cho HSSV đến học nghề, thực tập tại DN.
Cần thêm chính sách khuyến khích
Tuyển sinh gắn với địa chỉ đào tạo, theo đơn đặt hàng của DN đang cần ở các trình độ, được các cơ sở GDNN đẩy mạnh. Để hỗ trợ các trường trong hoạt động này, năm 2019, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tổ chức hội nghị gắn kết GDNN với thị trường lao động. Tại hội nghị đã có 24 DN ký kết hợp tác, 25 đơn vị tham gia tuyển dụng hơn 1.000 chỉ tiêu lao động. Mới đây, Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức hội nghị ký kết giữa Công ty CP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng ký kết với 17 cơ sở GDNN về tuyển sinh và tuyển dụng 2.650 HSSV sau tốt nghiệp vào làm việc. Ngoài ra, DN này còn tuyển dụng 2.000 HSSV/mỗi năm vào làm việc việc bán thời gian... Về phía các trường cũng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ việc làm và quan hệ với DN để hỗ trợ HSSV trong quá trình đào tạo nghề và tiếp nhận vào thực tập, tuyển dụng làm việc. Đơn cử: Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội quan hệ hợp tác với 400 DN và tổ chức xã hội; trường CĐN Công nghiệp Hà Nội phối hợp với 300 DN trong đào tạo, tuyển dụng HSSV... Từ sự hợp tác, ký kết giữa nhà trường và DN, nhiều ngành nghề HSSV ra trường có việc làm ngay chiếm 90 – 95 thậm chí 100% với mức thu nhập khá.
Nhằm đạt tỷ lệ 75% lao động qua đào tạo vào năm 2020, ngoài chính sách thu hút HS tốt nghiệp THCS đi học nghề trình độ CĐ, quản lý ngành LĐTB&XH Hà Nội và cơ sở GDNN Thủ đô mong muốn TP, Chính phủ tạo hành lang pháp lý để cho các trường và DN đến với nhau. “Luật GDNN đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của DN khi tham gia đào tạo cùng với nhà trường. Nhưng chúng tôi mong muốn Chính phủ có chính sách rõ ràng, cụ thể hơn và mang lại nhiều quyền lợi cho DN. GDNN là cung cấp nguồn nhân lực cho DN. Vì thế DN cũng phải nhận thấy, đầu tư cho GDNN chính là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để cung ứng cho thị trường. Hy vọng, các chính sách mới sẽ là bước đột phá để GDNN thực sự gắn kết với yêu cầu của thị trường lao động. Có như thế, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nội sẽ ngày càng nâng lên với chất lượng tay nghề cao hơn” – bà Nhàn nói.