Đêm 31/10, Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chính thức kết thúc sứ mệnh quân sự tại Libya. Nhân dịp này, Tổng Thư ký NATO Anders Fox Rasmussen đã bất ngờ có chuyến thăm tới Libya. Đây cũng là chuyến thăm Libya đầu tiên của một Tổng Thư ký NATO.
Chiến dịch quân sự của NATO đã chính thức kết thúc vào 22 giờ đêm 31/10 theo giờ GMT. Như vậy, sứ mệnh của NATO đã chấm dứt sau chiến dịch kéo dài 7 tháng, giúp Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya (NTC) lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Theo đúng kế hoạch, sau 22 giờ vùng cấm bay tại Libya đã chính thức được bãi bỏ, các máy bay thương mại có thể cất cánh và hạ cánh tại các sân bay ở Libya. Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch NTC Mustafa Abdel Jalil ở thủ đô Tripoli, cả Tổng Thư ký NATO và ông Jalil đều bày tỏ hài lòng với vai trò của NATO trong cuộc chiến vừa qua tại Libya. Tổng Thư ký Rasmussen cho biết nếu chính quyền mới tại Libya đề nghị, NATO sẵn sàng hỗ trợ họ trong giai đoạn quá độ này, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và cải cách an ninh. Tổng Thư ký NATO cũng khẳng định liên minh quân sự này sẽ không triển khai quân trên bộ và Liên hợp quốc cần đóng vai trò đi đầu trong các nỗ lực của cộng đồng quốc tế hỗ trợ chính quyền mới tại Libya. Tuy nhiên, ông Rasmussen đã bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo tại thành phố Sirte, quê hương của cố lãnh đạo Libya bị lật đổ Gaddafi, nơi đã hứng chịu những thiệt hại năng nề trong các cuộc giao tranh vừa qua. Trong khi đó, Chủ tịch NTC khẳng định cơ quan này đã thành lập một ủy ban giải quyết vấn đề nhân đạo tại Sirte để đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho cuộc sống của người dân thành phố này, và giúp họ có thể trở về nhà. Mặc dù ông Rasmussen đã tô vẽ về thành công của sứ mệnh NATO tại Libya, song trên thực tế sự can thiệp quân sự của Libya đã gây ra những rạn nứt trong nội bộ NATO và sứ mệnh này đã kéo dài hơn so với dự định ban đầu. Tổng cộng 14 quốc gia thành viên NATO và 4 nước khác đã cung cấp các lực lượng hải quân và không quân cho chiến dịch này, nhưng chỉ có 8 quốc gia thành viên NATO tham chiến. Một số nước lớn trong NATO, đặc biệt là Đức, đã phản đối sự can thiệp này.