KTĐT - Sau tiếng chuông báo kết thúc ngày giao dịch với bên bán nắm quyền chủ động thị trường, chỉ số Dow Jones Industrial mất 122,28 điểm, tương ứng 1,1%, lùi về ngưỡng 10.603,15 điểm.
Áp lực xả hàng dâng cao giữa những quan ngại về tốc độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Kết quả kinh doanh quý IV/2009 của nhiều tập đoàn gây thất vọng, hoang mang nhà đầu tư khi tham gia bắt đáy.
Bầu không khí hưng phấn từ phiên giao dịch trước đó một ngày nhanh chóng tan biến, nhà đầu tư phố Wall trải qua đợt bán tháo tồi tệ thứ hai trong 3 ngày trên tất cả các sàn cổ phiếu tại trung tâm tài chính New York. Áp lực điều chỉnh sau khi các chỉ số lình xình trên đỉnh 15 tháng xóa đi những nỗ lực tăng trưởng kể từ đầu năm 2010. Khởi động mùa công bố kết quả kinh doanh, 2 gã khổng lồ là IBM - nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới và Morgan Stanley - nhà môi giới chứng khoán lớn nhất của Mỹ cùng đưa ra những số liệu lợi nhuận đáng thất vọng. Tại IBM, doanh số bán hàng giảm mạnh 2,8%, trong khi đó Morgan Stanley cũng chỉ đạt mức lãi bằng khoảng 30% chỉ tiêu mà phố Wall kỳ vọng.
Các thông tin kinh tế trong ngày được gửi đến phố Wall chưa thực sự thuyết phục và mang những thông điệp trái chiều. Trong khi doanh số nhà xây mới trong tháng 12 năm ngoái giảm mạnh 4%, số hợp đồng xin vay vốn được duyệt trên toàn hệ thống tín dụng Mỹ lại tăng tới 9,1% trong bối cảnh lãi suất cho vay đã chạm mốc thấp nhất trong 1 tháng. Chỉ số giá tiêu dùng của các nhà sản xuất (PPI) chỉ nhích nhẹ 0,2% trong tháng 12.
Sau tiếng chuông báo kết thúc ngày giao dịch với bên bán nắm quyền chủ động thị trường, chỉ số Dow Jones Industrial mất 122,28 điểm, tương ứng 1,1%, lùi về ngưỡng 10.603,15 điểm. Cùng chịu biên độ điều chỉnh 1,1%, hàn thử biểu Standard & Poor 500 xuống 1.138,04 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite dẫn đầu đà giảm, đóng cửa tại 2.291,25 điểm, âm 1,3%.
Chứng khoán châu Âu rơi xuống đáy thấp nhất trong 3 tuần. Chỉ số tổng hợp 18 hàn thử biểu thuộc khu vực Eurozone DJ Stoxx 600 bốc hơi 1,5% - biên độ điều chỉnh mạnh nhất trong 2 tháng, thoái lui về 256,3 điểm. Sắc đỏ trải khắp trên tất cả các bảng điện tử, trong đó, biên độ điều chỉnh trên 2% đã xuất hiện ở nhiều thị trường. Chứng khoán Anh mất 1,7%, trong khi đó, 2 chỉ số CAC 40 của Pháp và DAX 30 của Đức cùng lao dốc 2,1%. Đáng chú ý phiên này, hàn thử biểu VStoxx Index – kim chỉ nam tổng hợp các công cụ bảo vệ nhà đầu tư như bảo hiểm, các hợp đồng quyền chọn, tăng kỷ lục 15%, lên 23,41 điểm. Tâm lý lo sợ về các đợt bán tháo có thể tiếp tục diễn ra trong những phiên tới bao trùm các quyết định mua của nhà đầu tư.
Sắc đỏ bao trùm sàn cổ phiếu châu Á phiên thứ ba liên tiếp. Làn sóng ào ạt bán tháo các cổ phiếu ngành ngân hàng, năng lượng, kéo chỉ số tổng hợp 23 hàn thử biểu khu vực MSCI đóng cửa âm 0,7%, xuống 124,45 điểm.
Phiên này, sàn chứng khoán Thượng Hải “rung lắc” sau thông tin một vài nhà băng trong nước sẽ phải chịu quy định giới hạn trần cho vay. Đồng thời, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng tái khẳng định, chính phủ sẽ kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng. Phong vũ biểu Shanghai Composite lao dốc 2,9% - biên độ điều chỉnh mạnh nhất trong số 8 thị trường chủ chốt. Cổ phiếu các ngân hàng dẫn đầu đà giảm điểm, trong đó, Bank of China và Ngân hàng xây dựng (CCB) lần lượt bốc hơi 2,9% và 2,7%. Bầu không khí giao dịch ảm đạm cũng bao trùm tại các thị trường gồm Hong Kong, Singapore và Đài Loan, với biên độ xuống trong khoảng từ 1,9% đến 0,3%.
Tại Tokyo, hàn thử biểu Nikkei 225 thoái lui 0,3%, xuống 10.737,52 điểm trong bối cảnh các trụ cột ngành chứng khoán bị xả hàng với khối lượng lớn sau khi ngân hàng Credit Suisse hạ triển vọng lợi nhuận của các nhà môi giới tài chính Nhật Bản. Trong chiều hướng tích cực hơn, với lực cầu tham gia bắt đáy mạnh bạo vào cuối ngày, các bảng điện tử gồm Kospi của Hàn Quốc và S&P ASX 200 của Australia cùng bật xanh lần lượt 0,2% và 0,1%.