Nên đeo khẩu trang nào phòng dịch Corona?

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 31/1, PGS. TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, để phòng dịch corona, người dân có thể dùng khẩu trang y tế, không nhất thiết phải N95.

Về vấn đề nên đeo khẩu trang nào, PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng, người dân nên đeo khẩu trang phòng bệnh hô hấp tốt, phòng cả khói bụi và nhiều bệnh khác như cúm, viêm phổi. Nhưng ở mức độ nào, trường hợp nào, người dân mới dùng khẩu trang? Ví dụ, hiện nay, dịch bệnh chưa lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng, người dân có thể dùng trong trường hợp những nơi đông người. Có thể dùng khẩu trang y tế, không nhất thiết phải N95.
 
Theo nguyên tắc, khẩu trang chỉ được dùng 1 lần. Trong lúc này, Bộ Y tế khuyến cáo chỉ có người tiếp xúc trực tiếp người bệnh, nhân viên y tế mới dùng N95. Còn người dân bình thường, có thể dùng các khẩu trang bình thường hoặc y tế để hạn chế nguy cơ lây lan.
Không đến nơi đông người, nên bỏ một số lễ hội
Về công tác lễ hội, do đang vào mùa, bệnh lại chưa rõ ràng, phức tạp nên rất khó để đánh giá. Nhưng Bộ Y tế khuyến cáo, người dân nếu không cần thiết, không nên đến nơi đông người. Nên bỏ qua một số lễ hội. Bộ Y tế sẽ căn cứ tình hình, mức độ lây lan để có khuyến cáo cụ thể.
Với các trường học, hiện chưa có ca bệnh nào lây lan trong cộng đồng. Bộ GD&ĐT đã có khuyến cáo là khi có dấu hiệu cần đến các cơ sở y tế. Khi phát hiện trường hợp nghi hay xác định đã nhiễm, chúng tôi sẽ cách ly ngay, theo dõi và xét nghiệm.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa khuyến cáo cho học sinh nghỉ học. Tình hình dịch bệnh tới mức độ nào chúng ta đáp ứng tới mức độ đó, hợp lý giải quyết cách tốt nhất dịch bệnh, đảm bảo các vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng.
Tiêu chí quyết định sự kiện y tế
Theo bà Sataco Ottshu, đại diện WHO, đó là: Sự kiện y tế bất thường hay không? Nguy cơ lây lan toàn cầu hay không? Có đáp ứng cần sự chung tay của toàn cầu hay không?
Với những bằng chứng đã có đủ để WHO ban bố tình trạng y tế toàn cầu. Người dân cũng không nên quá lo lắng, vì việc công bố để hướng dẫn, khuyến cáo người dân.
Đường dây nóng thông tin dịch Corona sẽ miễn phí?
Bộ Y tế cho biết, đường dây nóng 19003228 được Bộ sử dụng làm số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về dịch bệnh trên cả nước.
Trong những ngày qua, có những ngày có tới 200-300 số điện thoại, mỗi cuộc điện thoại dài 3-4 phút nhưng đều được trả lời một cách rõ ràng.
Trước phản ánh của người dân về việc gọi điện đến đường dây nóng bị mất tiền, Bộ cho biết đang liên hệ với đơn vị cung cấp về giá cước mỗi cuộc gọi, làm sao để cuộc gọi đó là miễn phí.
Ngoài số điện thoại trên, thời gian tới Bộ sẽ cố gắng tăng thêm một số số điện thoại khác để tránh tình trạng quá tải.
Không xét nghiệm được virus Corona tại nhà
Đị diện Viện trưởng vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, hiện chưa có xét nghiệm sinh phẩm nào có thể xét nghiệm virus corona tại nhà.
Hiện Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư có đủ kỹ thuật để chẩn đoán. Các xét nghiệm đều được đặt ở các viện lớn như Nhiệt đới và Pasteur.
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng yêu cầu các bệnh viện địa phương cũng phải lấy mẫy bệnh phẩm để gửi về Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư để xét nghiệm. Trong xét nghiệm cũng phải có quy định ca nào xét nghiệm ca nào không vì còn căn cứ vào đặc điểm dịch tễ, cần có chẩn đoán cụ thể.
Hiện nay, phương thức, cách thức giám sát dịch tễ nói chung, giám sát bằng xét nghiệm tìm nguồn lây, virus đã hoàn thiện và đáp ứng được tình hình dịch bệnh hiện nay.
Chưa có thuốc đặc trị virus Corona
Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược Nguyễn Thành Lâm trả lời về việc sử dụng thuốc điều trị cho các bệnh nhân bị lây nhiễm corona.
 Quang cảnh cuộc họp.
Ngày 16/1, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị nCoV. Hiện thuốc điều trị trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine để tiêm phòng. Việc điều trị chủ yếu là điều trị tích cực, điều trị triệu chứng, phát hiện kịp thời các tình trạng nguy hiểm (suy hô hấp, viêm phối cấp).
Trong những trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể sử dụng các thuốc đặc hiệu trị triệu chứng như ho dùng thuốc ho, sốt dùng thuốc hạ sốt, dịch truyền, khó thở cho thở oxy, rối loạn nước điện giải, dinh dưỡng có thể truyền các dịch cơ bản để giảm nguy cơ biến chứng.
Các bệnh nhân có bệnh lý kèm sẽ được sử dụng thuốc đặc trị các bệnh đó. Các thuốc này là thuốc bệnh viện vẫn dùng hàng ngày, Bộ cũng chỉ đạo các cơ sở thực hiện đảm bảo cung ứng, sẵn sàng thuốc ứng phó dịch. Trong trườn hợp thiếu thuốc phải mua sắm ngay, đấu thấu, không để thiếu thuốc.
Tamiflu không chữa được virus Corona
Trong hướng dẫn điều trị Corona của WHO và Bộ Y tế đều không có tamiflu vì không có tác dụng. Người dân không nên đổ xô đi mua.
Hiện nay tất cả các trường hợp nghi ngờ nCoV, có dấu hiệu sốt, đường hô hấp, đi từ vùng dịch về lúc đó mới được coi là nghi ngờ mới đi xét nghiệm, chứ không phải ai cứ có dấu hiệu về hô hấp là đi xét nghiệm nay. Phải để dành nguồn lực cho những ca bệnh thực sự nghi ngờ.
Virus Corona có lây lan qua máy đo nồng độ cồn?
Kkhông chỉ riêng nCoV mà tất cả các trường hợp thổi nồng độ cồn đều phải dùng riêng ống thổi dùng 1 lần. Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh cho rằng, mọi người nếu công an có yêu cầu thổi nồng độ cồn, cũng không nên lo lắng quá về nguy cơ lây nhiễm.
Thời gian qua, Bộ Y tế cũng chủ động cung cấp thông tin thường xuyên, cập nhật, thậm chí họp ban chỉ đạo cũng mời các báo chí đến dự đưa tin cho khách quan. Bộ vẫn thường xuyên cập nhật thông tin hàng giờ, túc trực, ngày Tết không được nghỉ, để chuẩn bị cung cấp thông tin cho báo chí, người dân.
Vụ trưởng truyền thông của Bộ Y tế Nguyễn Đình Anh cho hay, phòng chống dịch không chỉ riêng nhiệm vụ của ngành y tế mà là sự chung tay của nhiều tổ chức cơ quan, và tất cả mọi người.
213 người tử vong vì virus corona
Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam (Bộ Y tế), tính đến 13 giờ ngày 31/1, thế giới ghi nhận 9.833 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV).
Trong đó, 213 người chết (toàn bộ đều là người Trung Quốc). Riêng Trung Quốc, 9.699 trường hợp nhiễm bệnh tại 30/31 tỉnh/TP.
Ngoài quốc gia này, thế giới cũng ghi nhận 134 trường hợp nhiễm virus corona tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Thái Lan (14 trường hợp), Nhật Bản (14), Hồng Kông (15), Singapore (13), Đài Loan (9), Ma Cao (7), Australia (9), Malaysia (8), Hoa Kỳ (6), Pháp (6), Việt Nam (5), Đức (5), Hàn Quốc (7), Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (4), Canada (3), Campuchia (1), Nepal (1), Sri Lanka (1), Phần Lan (1), Ấn Độ (1), Phillippines (1).