Các chuyên gia cho rằng một lý do dẫn đến tình trạng này là công tác tư vấn - hướng nghiệp được làm quá muộn.
Không đỗ vào lớp 10 chưa phải là kết thúc
Rất nhiều trường THPT tổ chức tư vấn - hướng nghiệp cho học sinh (HS) vào năm học lớp 12, thậm chí khi các trường ĐH thông báo tuyển sinh thì công tác tư vấn hướng nghiệp mới thực sự rầm rộ. Theo nhiều chuyên gia giáo dục cũng như các DN tuyển dụng, tư vấn – hướng nghiệp tại những thời điểm đó không thật sâu, chưa nói đến việc các em chỉ được hướng chọn trường ĐH nào, còn trường nghề thì rất ít.
Là người có kinh nghiệm trong hoạt động tuyển dụng và nghiên cứu rất kỹ công tác hướng nghiệp, bà Lê Thị Bích Ngọc – Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho rằng: “Nên hướng nghiệp cho HS từ bậc THCS, bởi kỳ thi vào lớp 10 rất căng thẳng. Nếu các em thi trượt ĐH có thể đăng ký làm lại vào sang năm; nhưng thi từ lớp 9 vào 10 không đậu, nhiều em cho rằng con đường vào đời đã kết thúc. Thực chất không phải thế, mà mở ra nhiều hướng như học nghề và phát triển nâng cao lên con đường ĐH”. Bởi thế, cách tốt nhất là định hướng nghề nghiệp cho HS từ năm học lớp 7, 8, 9, đưa kiến thức về những nghề phát triển trong tương lai để các em hiểu và định hướng việc học.
Nhiều chuyên gia cũng nhất trí quan điểm HS được định hướng nghề sớm và phải bắt đầu từ phía nhà trường, gia đình. Bởi khi kết thúc THCS, có những bạn không thi đỗ vào THPT thì học nghề và đi làm luôn, sau này có điều kiện sẽ tiếp tục học lên cao. Bộ GD&ĐT cũng đã phân định chỉ tiêu vào ĐH, CĐ để phân luồng nhưng nhiều trường nghề không tuyển được người vào học. Bà Chu Thị Nguyệt - chuyên viên phòng Đào tạo, trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho rằng có nhiều yếu tố khiến HS vẫn lựa chọn con đường ĐH. Nhất là khi có quá nhiều trường ĐH được mở ra, mức lương bậc ĐH cao hơn nhiều so với TC nghề, CĐ nghề.
Trong dự thảo Đề án Chương trình tổng thể giáo dục phổ thông quốc gia đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến cũng nói rõ HS học hết lớp 9 được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản để phục vụ cuộc sống và đi học nghề. Vì thế, việc định hướng nghề cho HS từ bậc THCS là rất cần thiết và phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Cần sự trải nghiệm
Theo số liệu mới nhất của Bản tin thị trường lao động – việc làm của Bộ LĐTB&XH, không chỉ những người tốt nghiệp CĐ, ĐH, mà cả CĐ, TC nghề không tìm được việc làm đang tăng lên. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có việc người học không có kinh nghiệm và kỹ năng. Phải chăng vì mấy năm ngồi trên ghế nhà trường, người học không có thời gian đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm? Song nhiều chuyên gia khẳng định kinh nghiệm chính là sự trải nghiệm, là được trang bị các kỹ năng, chứ không buộc người học phải đi làm ở đơn vị nào trong khoảng thời gian quy định. Ông Đào Mạnh Hùng - chuyên viên tuyển dụng Tập đoàn Hoa Sao cho rằng, ngoài kỹ năng sống, các bạn phải có kỹ năng thực tế. Các bạn có thể trải nghiệm ở bất kỳ công việc gì đó, kể cả ở vị trí thấp nhất như nhân viên mở cửa nhà hàng, nhân viên ghi đặt chỗ… “7 năm trước, khi mới vào làm ở Tập đoàn Hoa Sao, tôi làm ở vị trí thấp nhất là chăm sóc khách hàng. Từ những kinh nghiệm, kỹ năng tích lũy, tôi được đề bạt vào vị trí tuyển dụng nhân sự. Tôi cũng biết một chị trưởng phòng quản lý khách hàng của một ngân hàng lớn khởi đầu công việc từ mở cửa cho khách. Theo tôi, ngoài tích lũy kinh nghiệm, các bạn cần có sự cầu thị và nhiệt huyết trong công việc để có sự phát triển” - ông Hùng chia sẻ.
Về phía trường đào tạo nghề, bà Chu Thị Nguyệt cho rằng có kinh nghiệm hay không là do chính người học tạo ra. Trong suốt thời gian học ở nhà trường, các bạn được bố trí đi thực tập tại DN - cơ hội rất tốt để tích lũy kinh nghiệm. Ngoài ra, thông qua các hoạt động tình nguyện, câu lạc bộ… cũng giúp các bạn có sự trải nghiệm, đồng thời trang bị kỹ năng. Với việc chỉ học 1 buổi/ngày, thời gian còn lại các bạn có thể đi làm thêm công việc gì đó. Hiện rất nhiều bạn không coi trọng hoạt động thực tập hay đi làm thêm ở bên ngoài. Vẫn biết hiện nay sự phối hợp giữa nhà trường và DN trong việc bố trí cho HS, sinh viên đến thực tập chưa chặt chẽ. Nhưng theo khuyến nghị của các chuyên gia, khi đi thực tập, sinh viên cần có ý thức kỷ luật tốt, tích cực và cầu thị, chắc chắn sẽ nhận được sự tạo điều kiện từ phía DN. Điều đó cho thấy, cơ hội trải nghiệm thực tế nằm trong tầm tay các bạn.
Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tại “Ngày hội việc làm và hướng nghiệp 2015” tại quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Thường Lệ
|
Đào tạo nghề là một trong những mảng được TP Hà Nội rất quan tâm đầu tư. Nhiều trường nghề có số học viên tốt nghiệp tìm được việc làm với tỷ lệ cao. Chính vì thế, chúng ta cần tuyên truyền đến HS từ cấp 2 để các em hiểu nhiều con đường để đi vào đời, chứ không chỉ có ĐH.
Bà Lê Thị Bích Ngọc
Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô
|