70 năm giải phóng Thủ đô

Nền tảng của các hành lang kinh tế khu vực GSM

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đại biểu đã thống nhất Diễn đàn các Hành lang Kinh tế Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (ECF) cần phải quay trở lại trọng tâm ban đầu là tìm hướng thúc đẩy thương mại và đầu tư, cũng như đẩy nhanh sự phát triển công nghiệp dọc theo các hành lang kinh tế của khu vực này.

Ngày 8/8, Diễn đàn Các Hành lang Kinh tế Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 đã diễn ra tại Hà Nội với thống nhất khu vực GMS cần đảm bảo rằng các hành lang kinh tế mang lại lợi ích về thương mại, đầu tư và công ăn việc làm.

Tại Diễn đàn, các bộ trưởng, thứ trưởng, các quan chức cấp cao từ chính phủ các quốc gia, các đối tác phát triển và các đại diện của khu vực tư nhân từ sáu quốc gia thuộc khu vực GMS cùng tham dự và đánh giá những thành tựu đạt được trong hơn 6 năm qua, cũng như điểm lại các sáng kiến giao thông xuyên biên giới và thương mại tại khu vực.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ông Bindu Lohani, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chia sẻ với các đại biểu tham dự diễn đàn về việc cần phải triển khai các hoạt động về cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường kết nối tại khu vực này, đặc biệt là các kết nối về giao thông vốn là những nền tảng của các hành lang kinh tế.

Theo ông Lohani, câu hỏi quan trọng đặt ra là làm thế nào để đảm bảo những kết nối cơ sở hạ tầng này sẽ mang lại những lợi ích mong muốn nhằm gia tăng các hoạt động giao dịch thương mại, hoạt động đầu tư, tăng trưởng công nghiệp, công ăn việc làm và thu nhập.

Các đại biểu đã thống nhất Diễn đàn các Hành lang Kinh tế Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (ECF) cần phải quay trở lại trọng tâm ban đầu là tìm hướng thúc đẩy thương mại và đầu tư, cũng như đẩy nhanh sự phát triển công nghiệp dọc theo các hành lang kinh tế của khu vực này. 

Theo đó, một trong những định hướng chủ chốt để đạt được những mục tiêu trên là cải thiện giao thông, tạo điều kiện về thương mại, cũng như sự phát triển của các khu kinh tế đặc biệt như các khu kinh tế tại các cửa khẩu, các khu vực chế xuất và các khu công nghiệp.

Diễn đàn cũng thảo luận phương hướng nhằm tăng cường hợp tác và hội nhập trong việc triển khai các kế hoạch đề xuất thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài khu vực cũng như thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào khu vực này.

Trước đó vào năm 2008, các quốc gia GMS tổ chức diễn đàn lần đầu tiên nhằm thúc đẩy các nỗ lực trong việc chuyển các hành lang giao thông tại khu vực này thành các hành lang kinh tế kết nối các trung tâm kinh tế năng động. 

Từ năm 1998, ADB đã hỗ trợ sự hình thành các hành lang kinh tế Đông-Tây, hành lang kinh tế Bắc–Nam và hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mekong mở rộng nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và hợp tác trong khu vực này.

Thông qua tài liệu đánh giá giữa kỳ Chiến lược 2020, đại diện Ngân hàng ADB đã tái khẳng định, “hợp tác và hội nhập khu vực là một trong những lĩnh vực hoạt động chủ chốt của Ngân hàng. Mục tiêu của ADB vào năm 2020, ADB sẽ dành ít nhất 30% hoạt động của mình nhằm hỗ trợ cho khu vực GMS. Bên cạnh đó, ADB sẽ dựa trên những hỗ trợ này nhằm mở rộng sự kết nối bên trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng và với các khu vực khác.”