Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên xây dựng thêm các kịch bản khác nhau khi mở lại đường bay quốc tế

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Chính phủ đồng ý mở lại đường bay quốc tế với tần suất không quá 2 chuyến/tuần cho mỗi bên và mỗi hãng được dư luận nói chung và các chuyên gia kinh tế, giao thông nói riêng đánh giá là rất đúng đắn.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh nhận định, đây là cách làm vừa để thí điểm, làm quen với việc “mở cửa bầu trời”, vừa giúp cho công tác kiểm dịch được đảm bảo.
“Hàng không là ngành có tác động rất lớn tới sự phát triển của nền kinh tế mỗi quốc gia cũng như đảm bảo sự giao thương, hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới với nhau, cho nên từng bước mở cửa hàng không quốc tế nhưng phải đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch với phát triển kinh tế, xã hội. An toàn của khách và phi hành đoàn cần được ưu tiên hàng đầu” - PGS. TS Nguyễn Thiện Tống nói.
 Tiếp viên hàng không đảm bảo công tác an toàn vệ sinh khi phục vụ hành khách trên máy bay. Ảnh: Công Hùng
Chuyên gia giao thông này cho rằng, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cần phải xây dựng thêm những kịch bản khác nhau về diễn biến dịch, đối tượng khách ưu tiên để thực hiện trong quá trình mở lại đường bay quốc tế.
“Quá trình triển khai sẽ dễ phát sinh những tình huống bất ngờ nên chuẩn bị trước kịch bản để đối phó với những tình huống phát sinh khác nhau là cần thiết để trách sự bối rối trong cách xử lý” - PGS. TS Nguyễn Thiện Tống cho hay.
Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, việc mở lại đường bay quốc tế cần căn cứ vào tình hình thực tế tại các nước để từng bước mở các đường bay quốc tế. Điều này sẽ giúp Việt Nam vừa kiểm soát dịch bệnh vừa từng bước khôi phục hoạt động kinh tế.
“Vì Covid-19, nên Việt Nam phải tạm dừng đường bay quốc tế nhưng sẽ chẳng thể đóng cửa bầu trời mãi được vì ngành hàng không có liên quan mật thiết tới nhiều thành phần kinh tế khác như du lịch, ngân hàng... Kế hoạch mở lại đường bay quốc tế theo từng bước như hiện nay là phù hợp” - TS Lê Đăng Doanh nhận định. Đồng thời ông cho rằng, trong các đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam sắp tới, cần có sự quan tâm đặc biệt tới đội ngũ chuyên gia. Hiện nay, nhiều dự án lớn đang triển khai vẫn đang gặp khó khăn vì các chuyên gia nước ngoài chưa thể có mặt. Việc nối lại đường bay quốc tế sẽ giúp giải quyết bài toán này.
Tuy nhiên, do đặc thù của giới chuyên gia liên tục phải tham gia các hội thảo, hội nghị hoặc tham gia vào nhiều nhiệm vụ gấp gáp của các dự án nên chính sách cách ly đối với những đối tượng này cũng cần có sự linh hoạt.
“Các địa phương có thể bố trí khách sạn làm nơi ở riêng cho đội ngũ chuyên gia. Trường hợp không có thời gian cách ly, cần cho phép họ có giấy chứng nhận không nhiễm Covid-19 và xét nghiệm khi xuống sân bay” - TS Lê Đăng Doanh cho hay.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế khẳng định, việc mở lại đường bay quốc tế là một xu hướng bắt buộc, là yêu cầu của quá trình phát triển. "Việc mở cửa bầu trời là điều bình thường, vừa vui mừng cũng vừa cảnh giác, bởi không thể cực đoan cấm hoàn toàn hay mở cửa ồ ạt" - TS Nguyễn Minh Phong nói.
Theo chuyên gia kinh tế này, trong thời gian qua, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương đã tỏ ra rất thận trọng trong qua trình lên kế hoạch mở lại đường bay quốc tế. Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã có sự lựa chọn chỉ mở đường bay thương mại với những đối tác có tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hoặc ít có nguy cơ lây nhiễm.

Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia đánh giá rất cao, bởi sự lựa chọn này vừa đảm bảo yêu cầu kiểm soát dịch bệnh và mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế. “Việc cần quan tâm lúc này là phải chuẩn hóa các quy trình, bao gồm xét nghiệm, vận chuyển, cách li cũng như những biện pháp phòng, tránh dịch bệnh khác gắn với quá trình di chuyển của các hành khách quốc tế. Từ đó nhằm đảm bảo công tác phòng dịch một cách tốt nhất” - TS Nguyễn Minh Phong nhận định.