Theo ông Hùng, trong điều kiện khó khăn hiện nay, việc huy động các nguồn lực để thực hiện dự án cải tạo, mở rộng QL1A là việc làm cần thiết. Biện pháp này sẽ giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho Nhà nước, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển, chi phí nguyên liệu và đặc biệt sẽ giảm thiểu TNGT nghiêm trọng có thể xảy ra. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp và người dân đều đã đóng phí bảo trì đường bộ cho toàn mạng lưới đường giao thông cả nước. Nếu bắt người dân phải đóng thêm phí khi di chuyển qua các trạm BOT chắc chắn sẽ khiến dư luận bức xúc.
Thực tế trên QL1A đã có khoảng 30 trạm thu phí, nếu cộng thêm 21 trạm thu phí BOT, số tiền mà các phương tiện phải bỏ ra khi di chuyển từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh sẽ rất lớn, đặc biệt là các xe tải, xe conteiner, xe khách… những loại xe đang phải chịu mức phí cao. "Thêm nhiều trạm thu phí đồng nghĩa với việc chi phí vận tải tăng. Để bù lỗ, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải tăng giá cước. Từ đó, giá của các loại hàng hóa cũng sẽ tăng lên. Xe phải đóng thêm một triệu đồng tiền phí thì số tiền này sẽ được tính vào giá cước, áp lực giá sẽ đẩy trực tiếp ra xã hội và cuối cùng người dân phải gánh chịu" - ông Hùng nói.
Theo ước tính, để hoàn vốn cho gần 40.000 tỷ đồng đầu tư mở rộng QL1A theo hình thức BOT (trong thời hạn bình quân 20 năm), cộng chi phí kinh doanh, lợi nhuận cho nhà đầu tư, ít nhất người dân tham gia giao thông trên QL1A sẽ phải trả 2.000 - 3.000 tỷ đồng/năm (chưa tính khoản phí bảo trì đường bộ). Ngoài ra, theo phương án thu phí mới đã được xác định với một số dự án, mức thu từ năm 2016 sẽ gấp 3,5 lần so với mức thu được quy định tại Thông tư 90 của Bộ Tài chính (mức tăng thấp nhất từ 10.000 đồng lên 35.000 đồng/lượt, cao nhất từ 80.000 đồng lên 280.000 đồng/lượt), và 3 năm được điều chỉnh một lần. Như vậy số phí đường bộ các phương tiện phải nộp có thể sẽ lớn hơn nhiều so với con số ước tính.
Theo ông Hùng, dự án mở rộng QL1A thực chất là mở thêm 2 làn đường nữa. Như vậy, Bộ GTVT có nhất thiết phải tăng mức phí ở các trạm BOT lên từ 1,5 - 3,5 lần so với hiện nay như đề xuất hay không? Ông Hùng cũng nhấn mạnh, Bộ GTVT nên xem lại mức thu phí hiện tại và mức phí ở các trạm BOT để tránh tình trạng phí chồng phí đẩy thiệt thòi về phía người dân.