Giải thích cho dự báo lạc quan đó NFSC cho biết, thuận lợi đến từ cả kinh tế thế giới và nhiều điều kiện trong nước. Trong đó, kinh tế thế giới năm 2018 được dự báo tăng trưởng cao hơn năm 2017, đặc biệt là tại các nền kinh tế mới nổi. Đầu tư toàn cầu sẽ tăng cao hơn 2017 và tiếp tục đổ vào khối các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam nhờ vào những cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính trong thời gian gần đây.
Đối với trong nước, tổng cung của nền kinh tế được dự báo sẽ cải thiện nhờ hưởng lợi từ các chính sách cải thiện bên cung theo tinh thần Nghị quyết 19/2017 của Chính phủ và tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017...
Trong đó, cả 3 khu vực kinh tế đều sẽ đạt mức tăng tích cực: Khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo. Khu vực tư nhân được dự báo sẽ tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của năm 2018.
Tuy nhiên, NFSC cũng nhận định, nền kinh tế vẫn sẽ đối mặt nhiều khó khăn năm 2018. Đó là thương mại toàn cầu nói chung và xuất khẩu của Việt Nam nói riêng sẽ chịu tác động bởi sự thay đổi chính sách thương mại của Mỹ. Ở trong nước, các vấn đề nội tại của nền kinh tế như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá.
Dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra, lợi thế cạnh tranh giữa các nước sẽ thay đổi nhanh hơn theo chiều hướng các nước có trình độ công nghệ cao sẽ hưởng lợi nhiều nhất, trong khi lợi thế về lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên sẽ giảm. Do đó, NFSC khuyến nghị, "Việt Nam cần tận dụng thời cơ từ nền tảng công nghệ do cuộc cách mạng này mang lại nhằm tránh nguy cơ bị tụt lại phía sau".
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng 2017 khoảng 9,5%
Theo tính toán của NFSC, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng là 9,5%. Dù mức này cao hơn gấp ba lần con số "dưới 3%" mà Ngân hàng Nhà nước báo cáo là "nợ xấu nội bảng" nhưng theo Uỷ ban giám sát, đã giảm mạnh từ con số 11,5%.
Báo cáo đánh giá, quá trình xử lý nợ xấu đã được đẩy nhanh hơn, đặc biệt trong những tháng cuối năm nhờ tác động Nghị quyết 42. Tính cả năm, ngành ngân hàng đã xử lý được 70.000 tỷ đồng. Lượng trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng năm 2017tăng 24,7% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng nợ xấu theo các ngân hàng báo cáo là 65,8%.
Nợ xấu giảm, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) bình quân của hệ thống đạt 11,1%, nhưng theo đại diện Uỷ ban Giám sát, các ngân hàng vẫn đang chịu áp lực tăng vốn lớn bởi nếu tính CAR theo chuẩn Basel II thì nhiều đơn vị còn ở dưới mức 8%. Để đạt chuẩn Basel II, các ngân hàng cần tăng vốn tự có gấp 1,8-2 lần so với hiện tại.