Nga “bội thu” từ nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu dầu sang châu Á

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm nay, Nga đã tích cực chuyển hướng bán năng lượng từ châu Âu sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, để đối phó với lệnh cấm vận dầu mỏ của phương Tây.

Nga tăng tốc xuất khẩu năng lượng sang châu Á

Nikolay Tokarev - Giám đốc điều hành của công ty vận tải dầu mỏ thuộc tập đoàn Nga Transneft, nói với đài truyền hình Rossiya24 rằng Moscow đã tăng mạnh xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc và Ấn Độ trong năm nay.

Nga đã tăng mạnh xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc và Ấn Độ trong năm nay. Ảnh: Sputnik
Nga đã tăng mạnh xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc và Ấn Độ trong năm nay. Ảnh: Sputnik

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, Nga vẫn là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của nước này trong tháng 11 khi Bắc Kinh nhập khẩu khoảng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày (bpd). Lượng nhập khẩu dầu thô từ Nga của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm nay tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới, cũng đã trở thành quốc gia nhập khẩu “vàng đen” hàng đầu của Nga. Theo dữ liệu mới nhất, nhập khẩu dầu thô từ Nga của Ấn Độ vào tháng 11 tăng vọt lên 1,6 triệu thùng/ngày, mức cao nhất trong 4 tháng.

“Khối lượng xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc và Ấn Độ ghi nhận mức tăng kỷ lục trong năm nay. Cụ thể, tính đến hết tháng 11, các công ty dầu mỏ Nga đã cung cấp 70 triệu tấn dầu cho Ấn Độ và khoảng 100 triệu tấn dầu cho khách hành tại thị trường Trung Quốc” -  ông Tokarev nói trong một cuộc phỏng vấn với đài Rossiya24 hôm 24/12.

Kể từ năm ngoái, Nga đã đa dạng hóa thị trường xuất khẩu năng lượng để đối phó với các lệnh trừng phạt cũng như biện pháp áp trần giá dầu của các nước phương Tây.

Theo Tokarev, bên cạnh khách hàng tiêu thụ lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, các thị trường mới cho xuất khẩu dầu mỏ của Nga cũng đã xuất hiện, bao gồm Ai Cập, Maroc, Myanmar và Pakistan.

Xuất khẩu dầu Nga vượt mức trước chiến sự

Theo Bloomberg, thu nhập hàng tháng của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ hiện nay lớn hơn so với trước thời điểm bùng phát cuộc xung đột ở Ukraine. Điều này cho thấy các nước phương Tây đã thất bại trong việc hạn chế nguồn thu từ ngành năng lượng của Moscow.

Với mục đích làm giảm nguồn lực cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU), nhóm G7 và Australia hồi cuối năm ngoái đã áp đặt biện pháp áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, “đòn” trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã thất bại, trong khi đem lại cơ hội tăng lợi nhuận cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm và các công ty vận tải nằm ngoài tầm theo dõi.

Bloomberg cho biết, nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Moscow gần như tăng gấp đôi trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 năm nay.

Theo tính toán của Bloomberg được xây dựng dựa trên dữ liệu của Bộ tài chính Nga, doanh thu ròng từ dầu mỏ của Nga trong tháng 10 là 11,3 tỷ USD, chiếm 31% tổng doanh thu ngân sách ròng của nước này.

Để đáp trả các lệnh trừng phạt, Nga đã chuyển phần lớn hoạt động xuất khẩu năng lượng sang châu Á, đặc biệt là sang Ấn Độ và Trung Quốc, nơi dầu của nước này đã được bán cao hơn mức giá trần 60 USD/thùng của phương Tây.

Các chủ sở hữu đội tàu trong nước và các “đội tàu bóng tối” đã cùng nhau vận chuyển hơn 70% hàng hóa dầu của Nga trong 9 tháng đầu năm 2023, cho phép Moscow duy trì quyền kiểm soát xuất khẩu và tăng dần giá dầu.

Dữ liệu hải quan chính thức của Ấn Độ cho thấy giá dầu Nga phải trả trung bình là 72 USD/thùng trong năm nay, cao hơn hơn 12 USD so với mức giá trần của phương Tây.

“Hạm đội bóng tối và các lựa chọn thay thế bảo hiểm hàng hải phương Tây không phải là vấn đề mới. Iran đã sử dụng chúng trong nhiều năm. Và giờ đây, đến lượt Nga -  nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới cũng sử dụng tới” - ông Eddie Fishman, học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia, cho biết.

Biện pháp áp trần giá với dầu Nga của phương Tây được cho là một cách khiến Moscow bị giảm doanh thu từ dầu mỏ mà không làm giá năng lượng toàn cầu tăng đột biến. Tuy nhiên, kế hoạch này lại dẫn đến “tác dụng phụ” là việc định hình lại cơ cấu tài chính của thương mại dầu mỏ và hàng hải.

Một số chuyên gia cảnh báo, xu hướng này sẽ khó có thể đảo ngược ngay cả khi cuộc xung đột Nga-Ukraine kết thúc, hoặc sau khi các lệnh trừng phạt hiện tại được dỡ bỏ.