"Một cuộc bỏ phiếu về vấn đề này có thể được tổ chức vào tháng 9 tới và diễn ra trong 1 ngày duy nhất. Theo tôi hiểu, tổng thống muốn thực hiện một số sửa đổi trong Hiến pháp. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu sắp tới sẽ không phải là một cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp, nó sẽ là một cuộc bỏ phiếu của công dân để đưa ra lập trường về các sáng kiến cụ thể, liên quan đến các sửa đổi Hiến pháp được đề xuất" - Phó Chủ tịch Ủy ban Pháp chế Hiến pháp và Xây dựng Nhà nước Yelena Mizulina nói.
Trước đó, trong Thông điệp Liên bang đọc tại Quốc hội hôm 15/1, Tổng thống Vladimir Putin đã đề nghị sửa đổi Hiến pháp Pháp, bao gồm cả việc kêu gọi tăng cường quyền lực của quốc hội, cho các nhà lập pháp quyền chọn thủ tướng. Thủ tướng sẽ trình lên quốc hội đề cử cho vị trí phó thủ tướng và các bộ trưởng.
Theo đề xuất, tổng thống sẽ có nghĩa vụ bổ nhiệm các ứng cử viên được đề xuất.
Tổng thống Nga cũng đề xuất thắt chặt yêu cầu đối với ứng viên tổng thống. Họ phải không có quốc tịch nước ngoài và sống ở Nga ít nhất 25 năm thay vì 10 năm như quy định hiện hành. Nga hiện áp dụng giới hạn một tổng thống không được cầm quyền quá hai nhiệm kỳ liên tục. Ông Putin muốn thay đổi quy định này thành tổng thống chỉ được đảm nhiệm hai nhiệm kỳ.
Cũng trong ngày 15/1, người phát ngôn của Điện Kremlin, Dmitry Peskov nói rằng ông Putin sẽ ký một sắc lệnh xác định khung thời gian và thủ tục bỏ phiếu về sửa đổi hiến pháp.
Sau khi Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev từ chức cùng toàn bộ nội các hôm 15/1, Tổng thống Putin đã đề cử Mikhail Mishustin, người đứng đầu Cơ quan Thuế Liên bang Nga vào vị trí này. Theo kế hoạch, Hạ viện Nga sẽ bỏ phiếu thông qua đề cử này vào ngày hôm nay (16/1), Tass đưa tin./.