KTĐT - Với tỷ lệ sinh ngày càng suy giảm tại Nga, cơ quan hành chính một số địa phương dự định sẽ khôi phục việc thu thuế không sinh con đối với phụ nữ vốn được lập ra năm 1941 nhưng đã bị bãi bỏ.
Theo luật này, những phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 50 mà không sinh con, hàng tháng sẽ phải nộp mức thuế không có con bằng 6% mức thu nhập.
Công ty xếp hạng tín dụng quốc tế Standard & Poor’s dự đoán, do ảnh hưởng bởi tỷ lệ sinh suy giảm, dân số của Nga sẽ giảm từ 140 triệu hiện tại xuống còn 116 triệu vào năm 2050. Ngoài ra tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (dưới 65 tuổi) trên tổng dân số sẽ từ 72% năm 2010 giảm xuống chỉ còn 60%.
Từ sau khi Liên Xô cũ tan rã đến nay, dân số Nga luôn trong xu thế giảm dần. Từ 1991 đến 2009, dân số Nga đã giảm 6,4 triệu, chỉ trong 10 năm từ 1997 đến 2007, dân số Nga ở khu vực Bắc Cực giảm tới 40%, 10 ngàn làng và 290 thị trấn ở Siberia lần lượt bị xóa tên. Có người đã so sánh một cách ví von: mức độ suy giảm dân số Nga “giống như cứ mấy ngày lại xảy ra một cuộc Chiến tranh Chesnya vậy”.
Tổng thống Nga Medvedev cuối năm 2010 đã cảnh báo: dân số giảm nhanh là một thách thức nghiêm trọng đối với nước Nga. Để giải quyết vấn đề dân số, chính phủ Nga đã nỗ lực rất lớn. Hiện nay, chính phủ đã áp dụng chính sách thưởng tiền mặt cho sản phụ và trợ cấp cho những phụ nữ sinh nhiều con để khuyến khích sinh đẻ.
Trong thời gian ông Putin làm tổng thống, chính phủ Nga đã đề ra kế hoạch Nga kiều tự nguyện hồi hương 7 năm, chính phủ sẽ cấp trợ cấp và cho vay vốn để thu hút người Nga ở nước ngoài hồi hương sinh sống.
Theo kế hoạch này, mỗi kiều dân hồi hương không chỉ nhận được 3.000 USD trợ cấp an cư, mà còn được chính phủ tạo điều kiện giải quyết vấn đề nhà ở, học hành, việc làm. Tuy nhiên, các kiều dân hồi hương thường được bố trí sinh sống ở vùng Viễn Đông hoặc Siberia, không được sống ở những khu vực trung tâm, đô thị nên kế hoạch này đã không được Nga kiều hưởng ứng tích cực.
Vấn đề dân số suy giảm đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nước Nga. Vấn đề lớn nữa là, việc suy giảm dân số còn ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ. Ví dụ, gần đây Nga đang đẩy nhanh tiến độ khai thác phát triển Quần đảo Nam Curin mà Nhật cũng đang khẳng định chủ quyền lãnh thổ, nhưng nếu dân số cứ giảm dần, cư dân vùng biên cương cứ dần dần di cư vào nội địa sinh sống gây nên tình trạng biên giới trắng dân.
Giờ đây vấn đề dân số đã đến lúc phải cấp bách giải quyết. Năm ngoái, ông Jirrinovski, Phó chủ tịch Duma quốc gia Nga từng đưa ra đề nghị cho phép đàn ông đã có gia đình mà vợ không sinh đẻ được phép lấy vợ lẽ để sinh con, tức là hợp pháp hóa việc lấy vợ lẽ. Đề nghị này khi đó đã được Tổng thống Medvedev hứa sẽ nghiêm túc xem xét, nhưng do bị các tổ chức nhân quyền phản đối kịch liệt nên nó đã không được thông qua.