Quan hệ của Nga với Mỹ, EU và NATO xấu đi đến mức không ít người trong cũng như ngoài cuộc cảm giác như thể chiến tranh lạnh tái phát giữa các đối tác này. Tình thế mới với những tác động tiêu cực của nó đã buộc Nga phải tìm mở những hướng quan hệ đối ngoại và hợp tác kinh tế mới mà quan trọng hơn cả là với những đối tác ở phía đông của Nga, nhất là với Trung Quốc và Ấn Độ. Đối với Nga, tranh thủ Trung Quốc còn dễ dàng hơn Ấn Độ. Chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trắc trở quan hệ với Nhật Bản mà Nhật Bản lại là một trong những đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực đã làm Trung Quốc trở thành đồng minh không cần đến liên minh, liên kết của Nga. Quan hệ Nga và Trung Quốc hiện lại được cả hai phía đều đánh giá là "tốt đẹp chưa từng thấy". Với Ấn Độ, Nga tuy có quan hệ truyền thống lâu đời nhưng không dễ dàng như với Trung Quốc bởi Ấn Độ coi trọng quan hệ cả với Nga lẫn với phương Tây. Trong khi Nga buộc phải "nhất biên đảo" thì Ấn Độ lại muốn duy trì cân bằng quan hệ với cả Nga lẫn phương Tây. Ấn Độ được lợi nhiều hơn từ chính sách "hướng Đông" của Nga bởi hiện tại Nga phải dành ưu tiên cho chính sách ấy và Ấn Độ chiếm vị thế rất quan trọng trong đó. Ấn Độ tận dụng cơ hội này để khai thác triệt để cái giá mà Nga sẵn sàng trả bởi buộc phải trả. Thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nga như thế, Ấn Độ gây dựng được đối trọng với ý nghĩa chiến lược cho quan hệ với phương Tây và với cả những đối tác bên ngoài muốn có được ảnh hưởng và vai trò ở khu vực Nam Á.