Các nhà giao dịch ngoại hối tại Moskva ước tính, trong phiên giao dịch đầu tuần này, Ngân hàng trung ương Nga đã bán ra 2% dự trữ vàng và ngoại tệ, trị giá khoảng 10 tỷ USD để ngăn chặn đà mất giá của đồng rúp.
Theo thống kê mới nhất, dự trữ ngoại hối của ngân hàng này ở mức 493,4 tỷ USD.
Hãng thông tấn Nga Interfax dẫn lời Thứ trưởng Kinh tế Andrei Klepach nhận định: đồng rúp mất giá sẽ tác động mạnh tới lạm phát của Nga, nhưng đồng tiền này sẽ không sụp đổ. Ngân hàng trung ương Nga ước tính lạm phát tại Nga năm 2014 ở mức 5%.
Ảnh minh họa. (Nguồn: ria.ru)
|
Đồng rúp ngày 3/3 đã rơi xuống mức thấp nhất từ trước tới nay so với đồng euro và đồng USD, trong bối cảnh nhà đầu tư hối hả tìm kiếm "nơi trú ẩn an toàn," sau khi tình hình tại bán đảo Crimea ngày một "nóng." Đóng cửa phiên 3/3, đồng rúp mất giá 2,2% so với đồng USD.
Ngân hàng trung ương Nga thừa nhận đã gia tăng mức độ can thiệp vào thị trường ngoại hối, sau khi đồng rúp trượt dốc, và khẳng định sẽ chuyển trọng tâm chính sách tiền tệ sang mục tiêu lạm phát sau khi tình hình trên thị trường bình ổn.
Phát biểu trên kênh tin tức Rossiya-24, Ksenia Yudayeva, một quan chức cao cấp của Ngân hàng trung ương Nga cho biết, nhiều khả năng lãi suất sẽ còn tăng và Nga có thể tiếp tục nâng mức độ can thiệp vào thị trường ngoại hối trong nước để ổn định đồng rúp.
Ngày 3/3, Nga đã nâng lãi suất cho vay chủ chốt thêm 150 điểm cơ bản lên 7% trong khuôn khổ của những nỗ lực chặn lại luồng vốn đổ ra ngoài.
Những diễn biến tại Ukraine không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới đồng rúp, mà còn khiến cổ phiếu, trái phiếu của Nga rớt giá thảm hại. Thị trường chứng khoán Moskva sụt giảm 10,8%, khiến giá trị của các công ty Nga "bốc hơi" gần 60 tỷ USD chỉ trong một ngày, trong khi Thế vận hội Olympics tại Sochi tháng Hai vừa qua chỉ tiêu tốn của Nga khoảng 51 tỷ USD.
Theo Thứ trưởng Andrei Klepach, những phản ứng quá khích của thị trường rồi sẽ lắng xuống, nhưng những căng thẳng giữa Moskva với Brussels và Washington (như đe dọa cấm thị thực, phong tỏa tài sản và hạn chế thương mại) sẽ tiếp tục gây sức ép với kinh tế Nga.
Căng thẳng Nga - phương Tây trong vấn đề Ukraine đã tác động đến thị trường toàn cầu: chứng khoán châu Âu giảm 2-3%, giá vàng vọt lên mức đỉnh của 4 tháng, giá lúa mỳ kỳ hạn ở Chicago tăng hơn 5%, giá ngô tăng gần 4%...
Nhà đầu tư lo ngại nguồn cung từ Biển Đen - khu vực xuất khẩu ngũ cốc chủ chốt của thế giới - sẽ bị gián đoạn.