Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga nói gì về đề xuất hòa bình cho Ukraine của tỷ phú Elon Musk?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan chức cấp cao của Duma quốc gia (Hạ viện) Nga nói rằng kế hoạch “hòa bình” của tỷ phú Mỹ Elon Musk dường như lặp lại quan điểm của phương Tây về cách giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông Leonid Slutsky - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Nga. Ảnh: Tass
Ông Leonid Slutsky - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Nga. Ảnh: Tass

Theo hãng tin Tass, viết trên trang Telegram hôm 4/10, ông Leonid Slutsky - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Nga, nói rằng tỷ phú Elon Musk đang phá vỡ những định kiến ​​về chính sách Ukraine của [Tổng thống Mỹ] Joe Biden", ông viết trên Telegram.

Theo ông Slutsky, đề xuất của tỷ phú Musk về việc tổ chức các cuộc bầu cử tại các khu vực của Ukraine vừa  tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga là không cần thiết. Quan chức Hạ viện Nga nêu rõ: “Những người dùng Twitter tham gia cuộc thăm dò do ông Musk khởi xướng đã ủng hộ ý tưởng về việc người dân Crimea và Donbass tự quyết định tương lai của họ”.

Trong một diễn biến liên quan, đài RT đưa tin Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev hôm 3/10 đã gọi đùa người sáng lập Tesla và SpaceX là "đặc vụ trong bóng tối" của Điện Kremlin.

“Hoan hô Elon Musk! Tuy nhiên, đặc vụ trong bóng tối đã bị lộ. Anh ấy xứng đáng được thăng chức nhanh chóng. Dòng tweet tiếp theo của anh ấy sẽ có nội dung kiểu như: Ukraine là một quốc gia nhân tạo” - ông Medvedev viết trên trang Telegram tối 3/10.

Các tuyên bố của giới chức Nga được đưa ra sau khi Giám đốc điều hành SpaceX và Tesla hôm 3/10 bất ngờ đề xuất một kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo ông Musk, đầu tiên, Moscow cần tiến hành các cuộc bầu cử mới dưới sự giám sát của Liên hợp quốc ở 4 vùng lãnh thổ mới đây trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga . Trong thời gian bầu cử, Nga phải rút quân khỏi các lãnh thổ này.

Thứ hai, tỷ phú Musk cho rằng, Ukraine nên công nhận bán đảo Crimea là một phần của Nga như giai đoạn từ năm 1783 đến khi cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev quyết định tặng bán đảo cho Ukraine năm 1954. Ông Musk nói, quyết định khi đó của ông Khrushchev là "sai lầm".

Thứ ba, tỷ phú Mỹ gợi ý rằng Ukraine nên cam kết duy trì vị thế trung lập, điều mà Nga đề nghị rất lâu trước khi mở chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng hồi tháng 2.

Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: AP
Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: AP

Ngoài ra, theo tỷ phú Musk, Ukraine phải đảm bảo nguồn cung nước cho Crimea. Kiev đã cắt nguồn cung nước đến Crimea sau khi bán đảo này sáp nhập vào Nga năm 2014. Không lâu sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự, nguồn cung đã được khôi phục. "Đây nhiều khả năng sẽ là kịch bản chấm dứt xung đột" - tỷ phú Musk bình luận.