Trong số các quốc gia Trung Á, Kazakhstan nổi lên như là đối tác tiềm năng nhất kể từ khi Moscow tìm cách phân tán rủi ro.
Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Phát triển Cơ sở hạ tầng Kazakhstan Dinara Shcheglova cho biết Kazakhstan và Nga hiện đang triển khai khoảng 40 dự án lớn trị giá tới 16,6 tỷ USD.
Bà cho biết: “Dự kiến khoảng 15.500 việc làm sẽ được tạo ra khi 40 dự án lớn của chúng tôi được thực hiện, một con số vô cùng ấn tượng”.
Để hợp tác với Nga hiệu quả, quan chức Kazakhstan đang gấp rút thực hiện nhiều kế hoạch thu hút đầu tư.
"Chúng tôi lên kế hoạch thực hiện 1.100 dự án đầu tư trị giá hơn 75 tỷ USD vào cuối năm 2030. Vào năm 2022, đất nước đã thu hút hơn 28 tỷ USD đầu tư nước ngoài, mức lớn nhất trong 10 năm qua” – Bà Shcheglova trả lời phỏng vấn của TASS.
Không chỉ Kazakhstan, một số quốc gia Trung Á khác như Mông Cổ, Uzbekistan đang thu lợi khổng lồ từ việc hợp tác với Nga. Theo Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD), các nền kinh tế này chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc nhờ dòng tiền thương mại từ Nga tăng lên.
Trả lời Reuters, Kinh tế trưởng Beata Javorcik của EBRD cho biết: “Họ đang đóng vai trò trung gian thương mại giữa Tây Âu và Nga kể từ khi lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến xung đột ở Ukraine có hiệu lực”.
Bà cho biết thêm: “Nga đã đăng ký 3,5 triệu lao động nhập cư mới vào năm 2022 và 90% trong số họ đến từ Trung Á. Việc đồng Rub mạnh trong nửa đầu năm đã thúc đẩy lượng kiều hối đến các quốc gia đó".
Trung Á ngày càng tập trung nhiều công ty Nga, trong khi đó, việc Trung Quốc ngày càng quan tâm hàng hóa từ Kazakhstan sẽ giúp nước này có nhiều động lực để phát triển tối ưu.