Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga thêm "vũ khí số" chống lệnh trừng phạt, đe dọa vị thế USD

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành Đạo luật đồng Rúp kỹ thuật số gần đây đã củng cố cam kết của Nga trong việc triển khai rộng rãi tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).

Dự luật đề xuất hợp pháp hóa tiền kĩ thuật số của Nga đã nhận được sự chấp thuận từ cả lưỡng viện của Quốc hội, Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang, khi Nga đẩy nhanh nghiên cứu này với mục đích ứng phó trước các lệnh trừng phạt tài chính do một số quốc gia áp đặt nhằm vào quỹ và tài sản do Moscow sở hữu. 

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành Đạo luật đồng Rúp kỹ thuật số gần đây đã củng cố cam kết của Nga trong việc triển khai rộng rãi tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Ảnh: Eurasia Review. 
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành Đạo luật đồng Rúp kỹ thuật số gần đây đã củng cố cam kết của Nga trong việc triển khai rộng rãi tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Ảnh: Eurasia Review. 

Nắm bắt các loại tiền kỹ thuật số và khám phá khả năng tương tác có thể tăng cường thương mại quốc tế và tạo ra một phạm vi ảnh hưởng thay thế ngoài hệ thống tài chính với đồng USD đang chiếm ưu thế.

Tuy nhiên, sự thành công của những sáng kiến này đòi hỏi phải xem xét cẩn thận các yếu tố khác nhau, bao gồm sức mạnh của Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc và tầm ảnh hưởng của đồng USD. 

Số hóa đồng Rúp

Cách mà Nga tiếp cận với CBDC khác với các đối tác. Trong khi các quốc gia như Ấn Độ tập trung vào việc khẳng định chủ quyền tiền tệ và duy trì tính cạnh tranh trong thế giới tiền tệ kỹ thuật số, động lực của Nga được thúc đẩy bởi các yếu tố quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của quốc gia.

Trong một hội nghị kinh doanh ở New Delhi, Alexander Babakov, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia, đã đề xuất một loại tiền kỹ thuật số thống nhất cho Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Mục tiêu chính là thúc đẩy thương mại tuân thủ các quy định của mỗi quốc gia đồng thời giảm sự phụ thuộc vào đồng USD hoặc Euro, giảm thiểu khả năng bị tổn thương của Nga trước các lệnh trừng phạt quốc tế.

Thúc đẩy thương mại là mục tiêu chính của Nga trong khi lách các biện pháp trừng phạt hiện nay và giảm sự phụ thuộc vào hai trong số các loại tiền tệ dự trữ toàn cầu chính của thế giới trong thời gian dài.

Ngoài ra, một loại tiền kỹ thuật số chung có thể thúc đẩy mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn giữa ba quốc gia và mở đường cho một hệ thống tài chính thay thế ngoài các loại tiền tệ thống trị truyền thống. Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là thành viên của khối các nền kinh tế mới nổi BRICS, đã xem xét một loại tiền kỹ thuật số đa quốc gia nhưng với tiến độ hạn chế. 

Mặc dù không hoàn toàn mới, nhưng khái niệm này có ý nghĩa quan trọng đối với Nga, đặc biệt là khi đối mặt với các biện pháp trừng phạt leo thang sau cuộc xung đột Ukraine. Trước đây, Nga đã khám phá việc sử dụng các loại tiền kỹ thuật số cho các giao dịch quốc tế, nhưng những hạn chế của châu Âu đã cản trở cách tiếp cận đó. Ngoài ra, đã có những suy đoán về sự hợp tác tiền kỹ thuật số tiềm năng giữa Nga và Iran.

Để đối phó với cuộc xung đột Nga-Ukraine, Liên minh Châu Âu, Mỹ, Canada và Vương quốc Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm cả việc cấm một số ngân hàng Nga tham gia SWIFT. 

Các biện pháp trừng phạt này gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu vì Nga là nước xuất khẩu dầu thô, lúa mì và coban lớn, dẫn đến giá tăng đột biến trên toàn cầu. Nga đang khám phá quan hệ đối tác thương mại ở châu Á và châu Phi, đồng thời xem xét đồng Rúp kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả thương mại.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ có tác động đáng kể khi thương mại toàn cầu bằng đồng USD khiến đóng băng các giao dịch, đẩy giá trị đồng Rúp giảm mạnh và làm dấy lên lo ngại về nghĩa vụ nợ của Nga. Việc loại trừ khỏi SWIFT và các biện pháp trừng phạt khác có thể dẫn đến một cuộc tái cơ cấu lớn nền kinh tế Nga.

Phản ứng kỹ thuật số

Các quốc gia trên thế giới đang thử nghiệm các phương án kỹ thuật số, và trong trường hợp này Nga đối với CBDC cũng không ngoại lệ. Cơ quan này lần đầu tiên thể hiện sự quan tâm đến đồng tiền kỹ thuật số vào năm 2017, không có kế hoạch phát triển đáng kể nào.

Tuy nhiên, vào năm 2022, Ngân hàng đã công bố kế hoạch ra mắt Đồng Rúp kỹ thuật số vào năm 2024, nhằm mục đích cùng tồn tại tiền kỹ thuật số với các hệ thống thanh toán hiện có. Kế hoạch phát triển trên đã được thực hiện trước cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng việc triển khai đã có thêm động lực do các lệnh trừng phạt và hạn chế của phương Tây.

Sự khẩn cấp để phát triển CBDC ngày càng tăng do nhu cầu về một công cụ đáng tin cậy cho ngoại thương trong bối cảnh các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến sự Ukraine.

Nabiullina, thống đốc Ngân hàng Nga, đã đề xuất dùng Đồng rúp kỹ thuật số để thanh toán lương hưu và các cuộc thảo luận về thí điểm CBDC đã được nối lại vào tháng 3/2023. Do đó, trong khi Nga ban đầu dự định sử dụng CBDC để thanh toán và chuyển khoản trong nước, xung đột tại Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt theo sau đã thúc đẩy Moscow khám phá sâu sắc các ứng dụng xuyên biên giới, giảm sự phụ thuộc vào hệ thống SWIFT do các trung tâm thanh toán bù trừ của phương Tây kiểm soát.

Chính phủ Nga đặt mục tiêu khuyến khích áp dụng Đồng Rúp kỹ thuật số, trong khi Ngân hàng Nga coi nó như một sự thay thế cho tiền điện tử, thúc đẩy các khoản đầu tư và thanh toán trong nước an toàn hơn.