Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới đạt tiến bộ “đáng kể” trong việc từ bỏ đồng USD

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Igor Shuvalov, Giám đốc tập đoàn phát triển nhà nước Nga VEB.RF đưa ra nhận định trên tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF 2023) hôm 15/6.

Sự hiện diện của đồng nhân dân tệ trên thị trường toàn cầu ngày càng tăng.. Ảnh: RT
Sự hiện diện của đồng nhân dân tệ trên thị trường toàn cầu ngày càng tăng.. Ảnh: RT

Phát biểu bên lề diễn đàn Kinh tế Quốc tế SPIEF 2023, ông Shuvalov cho biết, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang dần dần tước đi lợi thế cạnh tranh của đồng bạc xanh và đã có được vị thế của một đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Theo quan chức Nga, các quốc gia trên thế giới đã đạt được tiến bộ “đáng kể” trong việc từ bỏ sự phụ thuộc vào đồng USD, và “quá trình này sẽ tiếp tục”.

“Nhiều quốc gia trên thế giới dù có quan hệ tốt với Mỹ, hay đang cạnh tranh với nước này về kinh tế và tài chính hiện tại, sẽ ủng hộ việc phát triển các hệ thống thanh toán thay thế Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) và đồng USD, vì sự an toàn của chính họ… Đó không phải là vấn đề tin cậy hay không tin tưởng, đó là một đòi hỏi thực tế hiện nay, thông qua cách tạo ra các hệ thống thanh toán mới”, đài RT dẫn lời ông Shuvalov.

Quan chức Nga lưu ý thêm VEB.RF không sử dụng đồng USD trong các giao dịch thanh toán quốc tế với các đối tác nước ngoài, thay vào đó là đồng nhân dân tệ và các loại tiền tệ “thân thiện” khác. Ông nhấn mạnh: “Nhân dân tệ hiện là đồng tiền dự trữ toàn cầu, không có gì phải che giấu điều đó".

Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại tệ toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba thập kỷ là 58% trong quý IV/2022.

Nhiều quốc gia đã bắt đầu giảm dần sự phụ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch xuyên biên giới, do lo ngại về nợ của Mỹ tăng vọt và tác động từ các lệnh trừng phạt đơn phương của Washington.

Nga - nước phải đối mặt với hàng loạt biện pháp mạnh chưa từng có từ Mỹ vào năm ngoái - đã chuyển gần như toàn bộ giao dịch năng lượng của mình sang các loại tiền tệ quốc gia, đặc biệt là đồng ruble và nhân dân tệ.

Việc Washington sử dụng rộng rãi các biện pháp trừng phạt đã khiến ngày càng nhiều quốc gia bắt đầu rời xa đồng bạc xanh trong các giao dịch thương mại trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, sự hiện diện của đồng nhân dân tệ trên thị trường toàn cầu ngày càng tăng. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tỷ lệ giao dịch ngoại hối phi tập trung toàn cầu của nhân dân tệ đã tăng từ gần như bằng 0 cách đây 15 năm lên mức 7% vào năm 2023.

Vào tháng 3 năm nay, đồng nhân dân tệ đã vượt qua đồng USD trong các giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc, do phần lớn các đối tác của nước này cũng đã và đang thực hiện các bước để hạn chế sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh.

Trung Quốc - quốc gia đang cạnh tranh với Mỹ về kiểm soát xuất khẩu - cũng đã tăng tỷ trọng nhân dân tệ trong các thỏa thuận thương mại. Gần như toàn bộ giao dịch năng lượng giữa Nga và Trung Quốc hiện được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ.

Công ty dầu khí quốc gia CNOOC của Trung Quốc gần đây đã hoàn thành giao dịch LNG thanh toán bằng đồng nhân dân tệ đầu tiên với TotalEnergies của Pháp.

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu trong cuộc họp của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ hôm 13/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang thúc đẩy nhiều quốc gia tìm kiếm các lựa chọn thay thế đồng USD.

Khi được hạ nghị sĩ Vicente Gonzalez hỏi liệu Mỹ có nên giảm bớt việc sử dụng các lệnh cấm vận trong chính sách đối ngoại của mình hay không khi mà ngay cả các quốc gia đồng minh truyền thống, chẳng hạn như Pháp, đã và đang thực hiện các giao dịch không sử dụng đồng USD, Bộ trưởng Yellen thừa nhận có sự đa dạng hóa ngày càng tăng nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong các tài sản dự trữ toàn cầu. Tuy nhiên, bà tin tưởng đồng USD vẫn có khả năng duy trì vị thế là đồng tiền thống trị trên hệ thống tiền tệ thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ lưu ý, trong số những điểm mạnh lớn nhất của đồng USD là “thị trường tài chính mở có tính thanh khoản cao, luật pháp mạnh mẽ và không có sự kiểm soát vốn” - điều mà theo bà Yellen “không quốc gia nào có thể bắt chước được”.