Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga, Trung Quốc "âm thầm" tẩy chay USD

Tú Anh (Theo SCMP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc và Nga đang cùng tìm cách "lách" khỏi tác động của các lệnh trừng phạt và thuế quan từ Mỹ.

Nga và Trung Quốc đang thảo một thỏa thuận nhằm tăng cường việc sử dụng đồng nội tệ của hai nước này trong thương mại song phương và toàn cầu. Động thái được coi là nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh.

 Ảnh minh họa

Việc phát triển một hệ thống thanh toán tài chính mới nhắm đến mục tiêu giảm lo ngại về các lệnh trừng phạt cũng như vòng thuế mới từ Mỹ lên Moscow và Bắc Kinh.

 Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tháng này, cho biết hai nước đang bàn thảo việc khởi xướng một hệ thống xuyên biên giới về thanh toàn trực tiếp các hóa đơn thương mại bằng đồng Ruble và Nhân dân tệ.  

Ông Medvedev cũng cho biết, các bàn thảo nhằm hướng đến việc sử dụng thẻ tín dụng UnionPay của Trung Quốc tại Nga và thẻ Mir của Nga tại Trung Quốc.

Động lực để tạo ra một cơ sở hạ tầng tài chính mới là sự xói mòn liên tiếp trong quan hệ của cả hai nước với Mỹ, đe dọa Washington sẽ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế hơn đối với một trong hai hoặc cả hai nước.

"Người Trung Quốc nên bảo vệ hệ thống của họ trong khi Nga nên bảo vệ hệ thống riêng", ông Medvedev cho biết hồi đầu tháng 11, trước thềm cuộc họp thường kỳ lần thứ 22 của người đứng đầu chính phủ Nga và Trung Quốc.

"Về phương diện này, các hợp tác nêu trên rất hữu ích bởi lưu lượng tài chính sẽ tự do phát triển hơn", Thủ tướng Nga nói, dự đoán kim ngạch thương mại song phương Trung-Nga sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2020, gấp đôi mức 100 tỷ USD trong năm 2014.

Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước phương Tây khác đã áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và doanh nghiệp Nga liên quan tới vụ Crimea từ năm 2014.

Nhiều công ty Nga và Trung Quốc cũng bị phạt hoặc đưa vào danh sách đen của Mỹ vì vi phạm luật trừng phạt của Washington.

Ví dụ, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE Corp đã chịu án phạt 1,4 tỷ USD hồi tháng 6 do vận chuyển hàng hóa đến Iran và Triều Tiên – động thái Washington khẳng định vi phạm các biện pháp trừng phạt của nước này.

Luận điểm của ông Medvedev cho thấy sáng kiến ​​về một hệ thống thanh toán mới là nỗ lực của Moscow cũng như Bắc Kinh nhằm thoát khỏi “cái bóng” của các hệ thống tài chính hiện tại do đồng USD chi phối.