Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga và kỳ vọng từ sáng kiến "Vành đai, Con đường"

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên lề Diễn đàn hợp tác quốc tế về sáng kiến “Vành đai, Con đường” (OBOR) (14 - 15/5), lãnh đạo hai nước Nga – Trung đã có cuộc gặp ý nghĩa.

 Theo truyền thông Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tận dụng cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thúc đẩy quan hệ “trên mọi phương diện” của hai nước. Trong khi đó, chủ nhân Điện Kremlin cho rằng, đây là thời điểm phù hợp cho Diễn đàn hợp tác này. 

 

Quả thực đây là thời điểm “vàng” cho ông Putin để kết nối với OBOR. Theo chuyên gia Petr Topychkanov thuộc Trung tâm nghiên cứu Moscow Carnegie, có 4 lý do để ông Putin “tha thiết” với sáng kiến này. Thứ nhất, nền kinh tế Nga đang thiếu hụt nguồn đầu tư nước ngoài và kỳ vọng nhận được điều đó từ OBOR. Thứ hai, Nga muốn đem động lực mới cho Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) nhờ kết nối với OBOR. Thứ ba, Nga muốn bù đắp chương trình nghị sự bất thành của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) bằng những thỏa thuận thành công với OBOR. Và thứ tư, Moscow muốn minh chứng triển vọng hợp tác kinh tế Nga – Trung vững bền trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại đe dọa Mỹ và châu Âu. 

Trung Quốc đã đầu tư hơn 300 tỷ USD vào các dự án ở các nước thành viên OBOR. Bắc Kinh cũng cho biết, hơn 50 thỏa thuận đã được ký trong khuôn khổ hội nghị lần này. Trong khi đó, EAEU do Nga làm đầu tàu gây dựng từ năm 2015 mới có sức ảnh hưởng hạn chế với những thành tựu về kinh tế chưa sâu sắc. Giới phân tích cho rằng, Moscow kỳ vọng sáng kiến OBOR nói chung sẽ thu hút nguồn đầu tư từ Trung Quốc vào các lĩnh vực công nghiệp và cơ sở hạ tầng nước này; và nói riêng mong muốn có sự liên kết giữa OBOR với các chính sách kinh tế của Moscow, tranh thủ tạo điều kiện nuôi dưỡng EAEU - cơ chế thương mại mà Moscow làm chủ tọa. Giữa bối cảnh các lệnh trừng phạt Nga liên quan vấn đề Ukraine gia tăng, Moscow có khả năng xem xét thực hiện chính sách “hướng Đông” để phục hồi kinh tế. Hiện, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Nga, chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong kim ngạch xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, sẽ mất thời gian để Bắc Kinh thay thế được vai trò của Liên minh châu Âu, nên việc Nga ngả hẳn về khu vực châu Á, dần tách khỏi các ảnh hưởng kinh tế với châu Âu, nếu có sẽ là câu chuyện dài sau này.