Được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006, Luật Chuyển giao công nghệ (Luật CGCN) với hơn 10 năm triển khai tới hiện tại đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Chính vì vậy, Dự thảo Luật CGCN sửa đổi đã được trình Quốc hội, dự kiến sẽ xem xét thông qua vào ngày 19/6 tới đang rất được mong mỏi, bởi đây sẽ là cơ sở phát lý quan trọng nhằm thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất và đời sống, từng bước cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ông Đỗ Hoài Nam: Nếu được thông qua, Dự thảo Luật CGCN sẽ hạn chế và ngắn chặn được công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam. |
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thẩm định, Đánh giá và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN) cho rằng, Dự thảo Luật CGCN là yêu cầu quan trọng nhằm đưa Việt Nam hòa nhập vào bối cảnh phát triển kinh tế của khu vực và thế giới đang có nhiều thay đổi. Làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại mô hình kinh doanh; cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ; không ngừng đổi mới công nghệ để thích ứng với các thay đổi của thị trường.
Không những thế, ở thời điểm hiện tại, công tác quản lý công nghệ, thẩm định công nghệ tại các dự án đầu tư cũng đang là thách thức đối với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc một mặt đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài để gia tăng nguồn lực phát triển đất nước, mặt khác kiểm soát được thực trạng công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong các dự án đầu tư để bảo đảm gìn giữ môi trường và phát triển bền vững."Với 6 Chương 63 Điều đã được điều chỉnh, Dự thảo Luật CGCN đã sửa đổi về căn bản những vấn đề hạn chế, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật CGCN cũ, qua đó hướng tới tạo môi trường pháp lý thuận lợi và phù hợp thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh mới", ông Nam khẳng định.Nói về những điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật CGCN, Vụ trưởng Vụ Thẩm định, Đánh giá và Giám định công nghệ cho biết, để ngăn chặn, hạn chế công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam, Dự thảo Luật được bổ sung 1 Chương (Chương II với 8 Điều) quy định về công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, trong đó bổ sung thêm loại dự án phải thẩm định công nghệ khi xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, đó là những dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mà có sử dụng công nghệ.Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng quy định ý kiến về công nghệ của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền là một nội dung bắt buộc trong nội dung văn bản thẩm định dự án đầu tư khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, trong Chương này cũng thiết kế 1 Điều quy định về việc kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư, CGCN, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về KH&CN và cơ quan có liên quan trong kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và CGCN trong dự án đầu tư cùng với việc kiểm tra, giám sát đầu tư.Ông Đỗ Hoài Nam cũng cho biết thêm, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, Dự thảo Luật đã bổ sung một điều quy định về vấn đề này theo hướng quy định một số đối tượng đặc thù cũng như phương thức, loại hình chuyển giao khác biệt so với phương thức chuyển giao công nghệ phổ biến trong sản xuất công nghiệp. Qua đó tạo điều kiện đẩy mạnh chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận với công nghệ nuôi, trồng, kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiện đại.Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN, dự thảo Luật bổ sung quy định về tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ để hạn chế, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường và phát triển bền vững quốc gia. Đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý KH&CN, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực và UBND tỉnh trong việc thẩm định, có ý kiến về công nghệ của dự án đầu tư từ quá trình xét chủ trương đầu tư đến quyết định đầu tư để góp phần ngăn chặn công nghệ lạc hậu, gây nguy hại đến sức khỏe con người và phát triển bền vững quốc gia.Đồng thời, trong dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về vấn đề CGCN từ công ty mẹ sang công ty con và giữa các bên có quan hệ liên kết để hạn chế hiện tượng chuyển giá qua hoạt động CGCN gây thất thu ngân sách Nhà nước."Việc tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan quy định trong dự thảo Luật cho thấy đây là một nhiệm vụ không chỉ của cơ quan quản lý Nhà nước về KH&CN mà đòi hỏi các cơ quan có liên quan phải phối hợp chặt chẽ để tạo nên sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật đối với công tác quản lý hoạt động CGCN nhằm bảo đảm mục tiêu thu hút công nghệ, CGCN, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước", ông Đồ Hoài Nam khẳng định.