Vẫn còn tâm lý chủ quan
Theo thống kê của Phòng Y tế huyện Phúc Thọ, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện này đã ghi nhận ít nhất 90 ca mắc sốt xuất huyết; phân bố tại 13/21 xã, thị trấn, trong đó xã Liên Hiệp có số ca mắc nhiều nhất (25), tiếp đến là xã Hiệp Thuận 20 ca, Vân Nam 12 ca, Vân Phúc 7 ca…
Hiện, 12 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết vẫn đang phải điều trị tại các cơ sở y tế. Trước đó, 78 bệnh nhân cũng đã phải nhập viện. Cho đến nay, toàn huyện Phúc Thọ vẫn còn 5 ổ dịch tại xã Liên Hiệp (2 ổ dịch); xã Hiệp Thuận, xã Vân Nam và thị trấn Phúc Thọ, mỗi đơn vị có 1 ổ dịch.
Đáng lo ngại, nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát còn có thể lớn hơn. Nguyên nhân, theo Trưởng phòng Y tế huyện Phúc Thọ Đinh Xuân Hanh là bởi đây đang là giai đoạn dịch sốt xuất huyết hoạt động mạnh; trong khi diễn biến thời tiết thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển.
Bên cạnh đó, hiệu quả công tác diệt bọ gậy của đội xung kích tại các địa phương được đánh giá là chưa đạt hiệu quả mong đợi, vẫn sót nhiều ổ bọ gậy do ý thức phòng chống dịch bệnh của một số người dân chưa cao, chưa quan tâm đến các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng…
Trách nhiệm của chính quyền cơ sở
Công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết là vấn đề rất nóng, được lãnh đạo huyện Phúc Thọ đặc biệt quan tâm. Liên tục trong nhiều tuần qua, lãnh đạo huyện chủ trì giao ban để chỉ đạo, đôn đốc trực tiếp công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại cơ sở.
Trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã có cách làm hay. Đơn cử như tại một số xã, chính quyền mua cá, giao về cho cán bộ các thôn, xóm để thả vào những vị trí có khả năng phát triển bọ gậy để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ đánh giá, thời gian qua, các xã, thị trấn đã vào cuộc tích cực. Người dân đã có những thay đổi nhận thức. Tuy nhiên, tinh thần quyết liệt thì chưa đồng đều tại các địa phương.
Trong thời gian tới, UBND huyện đề nghị Trung tâm Văn hoá, thông tin và thể thao huyện duy trì tuyên truyền 5 lần/ngày về tình hình dịch bệnh. Các xã, thị trấn cũng cần tăng cường truyền thông lưu động, nhất là các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết để người dân nhận biết.
“Ban chỉ đạo các xã, thị trấn cần hành động quyết liệt hơn nữa trong triển khai nhiệm vụ phòng, chống, bởi có ngăn chặn được dịch hay không phục thuộc rất lớn vào chính quyền cơ sở và người dân. Huyện sẽ duy trì giao ban hàng tuần cho đến khi hết dịch…” - ông Kiều Trọng Sỹ nhấn mạnh.
UBND huyện Phúc Thọ cũng đề nghị ngành y tế cần đảm bảo đáp ứng đầy đủ, sẵn sàng hóa chất, vật tư, trang thiết bị, nhân lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu hóa chất, vật tư, trang thiết bị; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch không để dịch bùng phát, lan rộng.
“Để công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết mang lại hiệu quả thì ý thức của người dân là một trong những yếu tố hết sức quan trọng. Chính vì vậy, ngành y tế huyện kêu gọi mọi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, theo dõi sức khỏe và kịp thời đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị đúng phương pháp khi có dấu hiệu nghi ngờ…” - Trưởng phòng Y tế huyện Phúc Thọ Đinh Xuân Hanh.