Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là tại nhiều NH, nợ xấu vẫn tăng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng rất cao khiến việc xử lý các khoản nợ này trong thời gian tới gặp không ít vất vả.
2 đồng lãi, 1 đồng dự phòng
Tại Vietcombank, lợi nhuận trước dự phòng quý III tăng 17,9%, đạt 2.868 tỷ đồng; 9 tháng đạt 9.365 tỷ đồng, tăng 21,7%. Tuy nhiên, NH đã phải tăng mạnh phần trích lập với mức tăng 24,6% ở quý III, và 9 tháng tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2014. Do vậy, lợi nhuận trước thuế sau trích dự phòng chỉ còn 1.497 tỷ đồng trong quý III và sau thuế là 1.175 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 4.648 tỷ đồng và sau thuế 3.635 tỷ đồng, cao hơn 11% so với cùng kỳ.
Tương tự, do tăng trích lập dự phòng khiến tổng lợi nhuận trước thuế của VietinBank trong quý III chỉ đạt 1.846 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, NH ghi nhận 5.725 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 4.461 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tại BIDV, tổng lợi nhuận trước thuế trong quý III đạt 2.417 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, NH ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.535 tỷ đồng, tăng 24,5%; lợi nhuận sau thuế đạt 4.513 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ chi phí dự phòng tại Techcombank chiếm đến 64% lợi nhuận thuần; LienvietPostBank từ 26 tỷ đồng lên 404 tỷ đồng; ở các nhà băng khác như ACB, Eximbank, tỷ lệ này là hơn 40%...
Vẫn phải thắt lưng buộc bụng
Phía sau những con số trên là nỗi lo trong thời gian tới khi nợ xấu, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng rất mạnh. Đơn cử, tại Vietcombank,tổng số nợ xấu trong quý III đã tăng thêm 2.869 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất với mức tăng 72%, lên 5.631 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng số nợ xấu. Tại thời điểm cuối tháng 9, NH có hơn 7.100 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 69% là nợ có khả năng mất vốn.
Tương tự, tại VietinBank, dù nợ xấu duy trì ở dưới mức 1%, nhưng nợ có khả năng mất vốn tăng tới 29% trong quý III với 1.107 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng số nợ có khả năng mất vốn trong 9 tháng là 2.685 tỷ đồng. Tại BIDV, tính tới ngày 30/9, nợ xấu ở mức 2,16%, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh, với mức tăng 72%, đẩy con số này lên tới 5.631 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng số nợ xấu.
Bức tranh về lợi nhuận và nợ xấu của các NH đặt ra vấn đề cần quan tâm là liệu các NH đã trích lập dự phòng một cách cẩn trọng hay chưa, vì trên thực tế không có công cụ để đánh giá chuẩn xác vấn đề này. Phó Tổng giám đốc một công ty kiểm toán cho biết, do việc vay nợ hạch toán trong các NH cần rất nhiều chứng từ sổ sách, khoản nợ cũng thường xuyên biến động nên việc đặt nợ trong các nhóm từ 1 - 5 phụ thuộc phần lớn vào sự tự giác của NH. Cũng không loại trừ vì mục đích nào đó, NH đưa ra con số trên báo cáo tài chính đẹp nhưng thực chất “sức khỏe tài chính” lại rất tệ. Câu chuyện NH TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) trước đây công bố lợi nhuận tới gần 1.000 tỷ đồng nhưng chỉ chưa đầy nửa tháng sau, cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước công bố NH lỗ, âm vốn chủ sở hữu đã cho thấy điều đó.
Thời điểm này, thị trường chứng kiến nhiều NH đã mạnh tay phát mại tài sản đảm bảo, đây là bước xử lý phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với việc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Nợ xấu tới đây sẽ tiếp tục được các NH xử lý qua nhiều hình thức như sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ cho VAMC, phát mại tài sản đảm bảo... nhằm mục đích cải thiện chất lượng tài sản. Tuy nhiên, mong muốn này có trở thành hiện thực hay không lại phụ thuộc không chỉ vào nỗ lực của các NH mà còn từ sự chuyển động của cả nền kinh tế.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh TechcomBank. Ảnh: Việt Linh
|