Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần đặt vấn đề về nới lỏng chính sách tiền tệ có kiểm soát hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể là giảm lãi suất, thúc đẩy tín dụng. Trên thực tế, việc giảm lãi suất và tăng tín dụng đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng triển khai tích cực. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 2 lần giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng liên tục giảm cả lãi suất đầu vào và đầu ra. Xu hướng giảm lãi suất cho vay diễn ra mạnh hơn trong vòng 1 tháng qua. Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Rất nhiều ngân hàng như HD Bank, Techcombank, Eximbank... đã giảm thêm lãi suất huy động và cho vay với mức giảm 0,1 - 0,5%/năm, tùy từng kỳ hạn. Trong khi các ngân hàng lớn Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đã liên tiếp 3 lần giảm lãi cho vay, có nơi hạ 2,5 - 3% so với thời điểm trước dịch. Theo Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, xu hướng lãi suất thời gian tới là sẽ giảm thêm, do tín dụng tăng thấp, các ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay để cạnh tranh, trong khi định hướng của NHNN là duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ DN.
Về tăng trưởng tín dụng, thông tin mới nhất từ NHNN cho thấy, đến ngày 29/6, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đạt 3,26% so với cuối năm 2019. Mức tăng này tuy thấp hơn hẳn so với con số 7,33% của cùng kỳ, nhưng đà tăng của tín dụng đã cải thiện rõ rệt. So với tháng liền kề, nếu như tín dụng tháng 4 chỉ tăng 0,12% thì tháng 5 tăng 0,53% và tháng 6 tăng 1,28%.
Nới room, kích cầu tín dụng
Đại diện Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, NHNN đã nới room (giới hạn cho vay) tăng tín dụng lên mức 18 – 22% cho một số ngân hàng bao gồm: Techcombank, VPBank, TPBank, VIB, HDBank... Đồng thời, kỳ vọng tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng dưới 10% năm 2020. Trao đổi với báo chí, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, NHNN đã nới trần tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng. Lãnh đạo Vụ Tín dụng cho biết thêm, những ngân hàng xin nâng room tín dụng đều được NHNN xem xét. Song mức nâng sẽ tùy thuộc vào năng lực tài chính, cơ cấu nguồn vốn của từng ngân hàng và phù hợp với định hướng bảo đảm an toàn hệ thống.
Thực tế, một loạt các ngân hàng đã triển khai rất nhiều chương trình, kích cầu tín dụng, không chỉ giảm lãi suất, các hình thức cho vay rất đa dạng. Như Ngân hàng HD Bank vừa triển khai chương trình "Thuê nhà không lo, vững tâm kinh doanh, vay ngay ngại gì Covid". Theo đó, khách hàng cá nhân và DN siêu nhỏ đang thuê mặt bằng, địa điểm kinh doanh sẽ được hưởng ưu đãi vay sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng lên đến 3 tỷ đồng, lãi suất cho vay chỉ 3%/năm trong 3 tháng đầu, ân hạn vốn gốc 6 tháng; Ngân hàng MSB đã triển khai gói 7.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay tín chấp và vay thế chấp; Ngân hàng TMCP Sài Gòn SCB với chương trình “Tiếp vốn kinh doanh - Vững mạnh tài chính” áp dụng lãi suất từ 5,99% một năm, thời gian ưu đãi lên đến 12 tháng. Đối tượng khách hàng được hỗ trợ là chủ cơ sở kinh doanh cần vốn để mua hàng hóa, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ kinh doanh hoặc cần bổ sung vốn lưu động đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong giai đoạn mới...
Đặc biệt trong tháng 8/2020, một số ngân hàng lớn như BIDV, TPBank, Vietcombank… đồng loạt có động thái hạ lãi suất cho vay mua nhà. Nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục cam kết đồng hành, trợ lực cho DN sớm khắc phục khó khăn từ dịch bệnh.
Không gian chính sách tài khóa và tiền tệ còn rộng là cơ hội cho việc gia tăng tổng cầu. Cần tiếp tục hạ trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn; giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn vay ngắn hạn sang cho vay trung và dài hạn; thực hiện điều chuyển vốn sang các dự án có tốc độ giải ngân nhanh. Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia TS Đặng Đức Anh |
Nhu cầu tín dụng dù có khả năng phục hồi, song mức tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ không quá lớn. Dự báo trong các tháng cuối năm, tín dụng sẽ tăng nhanh hơn 6 tháng đầu năm nhưng mức độ tăng cũng sẽ chỉ ở mức vừa phải. Tăng trưởng tín dụng cho cả năm được dự báo ở quanh mức 10%. TS Cấn Văn Lực |