Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng giảm lãi suất: Tín hiệu tích cực

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và lãi suất cho vay ngắn hạn với một số lĩnh vực ưu tiên giảm từ 0,2 - 0,5%/năm theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Những điều kiện vĩ mô hiện tại của nền kinh tế là khá tích cực để NHNN hạ lãi suất.

Hoạt động nghiệp vụ tại VPBank. Ảnh: Thanh Hải
Thanh khoản dồi dào
Cụ thể, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống 0,8%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.
Riêng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, NHNN cho hay sẽ do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường. Ngoài giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm 0,5%/năm (từ 6,5% xuống 6%/năm) đối với các lĩnh vực ưu tiên như vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao…
Trước đó, NHNN đã có động thái hạ một loạt lãi suất điều hành khoảng 25 điểm phần trăm vào trung tuần tháng 9, sau đó tiếp tục cắt giảm lãi suất tín phiếu 25 điểm phần trăm vào tháng 10/2019. NHNN Việt Nam cũng có động thái nới lỏng hơn khi gia tăng lượng tiền đồng thông qua bơm ròng trên thị trường mở và các giao dịch mua ngoại tệ. Nguồn cung ngoại tệ hiện vẫn đang ở trạng thái dồi dào, Việt Nam có cán cân thanh toán thặng dư lớn do xuất siêu, vốn FDI giải ngân tăng, vốn góp mua cổ phần tăng… khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng đang trong trạng thái dồi dào.
Thực tế, nếu cách đây vài tháng, các ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất tiền gửi, lên đến trên 9%/năm, thì nay mặt bằng lãi suất huy động đang dần hạ nhiệt. Hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, Bảo Việt, MB, VietCapitalBank, VPBank, SCB, ACB, Eximbank… đã công bố biểu lãi suất mới. Mức giảm phổ biến từ 0,1 - 0,5%/năm.
Với lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên, đây là lần thứ 3 trong năm nay các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất với mức 0,5%/năm. Lần đầu là ngày 9/1, lần 2 là ngày 1/8 và lần 3 là ngày 19/11. Riêng Vietcombank, ngoài lĩnh vực ưu tiên, đã giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng VND của DN. Như vậy, lần đầu tiên trong năm nay chính sách giảm lãi suất cho vay của Vietcombank được áp dụng rộng cho tất cả các DN.
Giảm lãi suất để kích cầu DN
Theo báo cáo của NHNN Việt Nam, đến 30/9, tín dụng tăng 9,4% so cuối năm 2018. Như vậy, dư địa còn lại để tăng dư nợ quý cuối năm vẫn rất cao. Tuy nhiên, giới phân tích tài chính đưa ra nhận định, khả năng tín dụng khó đặt mục tiêu đưa ra năm nay. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính, với tốc độ tăng trưởng hiện tại và trần tín dụng cho từng ngân hàng, tăng trưởng tín dụng năm 2019 có thể chỉ đạt 13,2%. Tương tự, Chứng khoán BIDV cũng đánh giá tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có thể sẽ chỉ đạt 12 – 13% trong năm 2019, chủ yếu do nhu cầu tín dụng giảm ở nhiều ngành nghề kinh doanh đang gặp khó khăn (bất động sản, thép…).
TS Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, để có thể kích được cầu tín dụng, lãi suất cho vay cần giảm thêm. Mức lãi suất cao sẽ không kích thích được các DN đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh và làm tăng nợ xấu đối với những DN đang nỗ lực phục hồi sản xuất.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ có định hướng tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong năm 2020 cũng như NHNN có chủ trương, Vietcombank đã cân đối lại tài chính và thực hiện giảm trước định hướng tại 2 tháng cuối năm 2019. Ông Thành cũng tiết lộ, việc giảm lãi suất này sẽ có tác động trực tiếp tới trên 320.000 tỷ đồng dư nợ của Vietcombank. “Động thái này của ngân hàng sẽ giúp các DN có nhiều lựa chọn hơn trong việc vay vốn để sản xuất kinh doanh. Hiện tại, dư địa tín dụng của ngân hàng từ nay đến cuối năm còn 5%” - Chủ tịch Vietcombank cho biết.
Các chuyên gia cũng đánh giá, những điều kiện vĩ mô hiện tại của nền kinh tế là khá tích cực. Kinh tế ổn định, tỷ giá và lạm phát đều trong tầm kiểm soát ngay cả trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Quan trọng hơn cả, sức khỏe của các ngân hàng cũng rất tốt, kết quả kinh doanh 2019 tăng trưởng khá, vốn điều lệ cùng tổng tài sản đều tăng trong vài tháng trở lại đây và đã có 14 ngân hàng đáp ứng được Basel II về an toàn vốn. Thanh khoản của hệ thống dồi dào, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế ổn định, dư nợ tín dụng đi theo đúng mục tiêu. Việc chủ động cắt giảm lãi suất này, kết hợp với những yếu tố vĩ mô thuận lợi như sự ổn định của tỷ giá, lãi suất và dự trữ ngoại hối tăng, về lâu dài sẽ tạo đủ dư địa về chính sách, góp phần kéo giảm lãi suất cho vay trên diện rộng.
Tính thực chất của giảm lãi suất nằm ở mục tiêu chung của các ngân hàng mà Chính phủ và NHNN đã định hướng, là tăng cường hỗ trợ DN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN được thúc đẩy, kinh tế tăng trưởng tốt, các ngân hàng cũng hưởng lợi. Thời gian qua, cùng với giảm lãi suất các lĩnh vực ưu tiên, VietinBank còn xây dựng các chương trình cụ thể khi cho vay, đẩy mạnh triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và người dân tiếp cận vốn. 

Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Lê Đức Thọ
Mặc dù còn khó khăn trong việc tiết giảm chi phí đầu vào do phải tăng huy động kỳ hạn dài ngày để tái cơ cấu nguồn vốn, đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn tại Thông tư 19 của NHNN, song nhiều ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất. Tuy vậy thường cuối năm, tỷ giá có những áp lực nhất định, do đó lãi suất khả năng sẽ không giảm nhiều từ giờ đến cuối năm và chỉ giảm thêm trong năm 2020.

Chuyên gia Bùi Quang Tín
Cả thế giới đang rục rịch nới lỏng tiền tệ, thậm chí có dấu hiệu giống như chiến tranh tiền tệ, nếu Việt Nam đứng ngoài xu hướng đó sẽ bị thiệt thòi trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, mọi sự nới lỏng luôn cần phải đi kèm với sự thận trọng. Cả hệ thống mới chỉ đang hồi phục bước đầu, rất nhiều ngân hàng vẫn đang nặng gánh với nợ xấu. 

TS Nguyễn Trí Hiếu