Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng JP Morgan cảnh báo “kịch bản giá dầu thấp” trong năm 2019

Nguyễn Thu (Theo RT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng JP Morgan nhận định giá dầu Brent khó có khả năng phục hồi trong năm nay nếu thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC chỉ kéo dài 6 tháng.

Giám đốc chi nhánh ngân hàng Mỹ JP Morgan khu vực châu Á Thái Bình Dương dự báo giá dầu Brent trong năm 2019 sẽ vẫn ở mức thấp nhất ghi nhận hồi cuối tháng 12/2018 nếu các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không tuân thủ đúng cam kết cắt giảm sản lượng theo đúng thỏa thuận đạt được hồi đầu tháng 12 năm ngoái.
Kết thúc cuộc họp chính sách hôm 7/12/2018 tại Áo, OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, đã nhất trí thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng từ đầu tháng 1/2019, kéo dài 6 tháng, nhằm cân bằng nguồn cung cầu trên thị trường toàn cầu để kéo giá dầu đi lên.
 Ngân hàng JP Morgan cảnh báo giá dầu khó phục hồi trong năm nay.
Theo thỏa thuận này, các thành viên trong và ngoài OPEC đồng ý  cắt giảm khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, quyết định này chỉ hỗ trợ giá “vàng đen” phục hồi trong vài phiên, ngay sau đó giá dầu lao dốc thê thảm, giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm.
“Trước cuộc họp chính sách của OPEC hồi đầu tháng 12/2018, ngân hàng JP Morgan đã cảnh báo rằng nếu tổ chức này không thực hiện cắt giảm nhiều hơn sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ngày, hoặc chỉ tiến hành việc cắt giảm sản xuất trong 6 tháng đầu năm thay cho kéo dài thỏa thuận này trong cả năm 2019, giá dầu Brent sẽ duy trì chỉ ở mức 55 USD/thùng trong năm nay”, nhà phân tích Scott Darling của JP JP Morgan nói với hãng tin CNBC hôm 2/1.
Trong phiên giao dịch ngày 2/1, giá dầu Brent tiếp tục hạ gần 1%, xuống còn 54,38 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng sụt 1,85%, được giao dịch ở mức 45,68 USD/thùng.
Giá dầu Brent đã lao dốc, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 8/2017 trong phiên giao dịch ngày 25/12/2018, xuống dưới mức 51 USD/thùng.
Giá dầu thế giới sụt giảm mạnh do thị trường gia tăng lo ngại về tình trạng dư cung toàn cầu, sau khi cơ quan năng lượng của Mỹ đưa ra dự báo sản lượng dầu đá phiến của nước này dự kiến vượt 8 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2018.
Bên cạnh đó, giá năng lượng cũng biến động mạnh theo đà rung lắc trên thị trường chứng khoán thế giới do chịu tác động tiêu cực từ việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Vào tháng 12, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei, hiện đang giữ chức Chủ tịch OPEC, nói rằng hiện không phải tất cả các thành viên trong và ngoài OPEC đều sẵn sàng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 6 tháng nữa nếu biện pháp này không giúp phục hồi giá dầu.
Tuy nhiên, hôm 23/12 vừa qua, Bộ trưởng Suhail al-Mazrouei cho biết OPEC và các đồng minh sẵn sàng tổ chức một cuộc họp bất thường và sẽ làm những gì cần thiết nếu mức giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày không cân bằng thị trường trong năm tới.
Bộ trưởng Mazrouei khẳng định: "Nếu chúng tôi được yêu cầu gia hạn thêm 6 tháng nữa, chúng tôi sẽ làm điều đó... Chúng tôi có thể đảm bảo việc kéo dài thỏa thuận giảm sản lượng sẽ không thành vấn đề".