Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng không phải căng lưới nhặt "bóng" rủi ro

Cao Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nhiều ngân hàng đã chấp nhận hy sinh lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19, thông qua các gói tín dụng hỗ trợ hàng trăm nghìn tỷ đồng. Bằng cách đó họ đã gánh bớt rủi ro cho khách hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng không phải căng lưới nhặt “bóng” rủi ro.

Thực hiện Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều Ngân hàng thương mại (NHTM) đã cam kết gói tín dụng 285 nghìn tỷ đồng hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả của dịch Covid-19. Tổng gói tín dụng này đang tăng gấp bội, theo chỉ đạo của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, yêu cầu các NHTM cổ phần Nhà nước phải hy sinh khoảng 40% lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng.
Chưa có con số báo cáo thực tế triển khai, nhưng dù sao cũng thấy được quyết tâm của ngành ngân hàng trong chia sẻ gánh nặng rủi ro của nền kinh tế. Tuy vậy, NHTM cũng là doanh nghiệp. Họ “cứu” khách hàng để giảm bớt rủi ro cho cả chính mình, chứ đâu phải căng lưới nhặt “bóng” rủi ro cho khách hàng.
Hạ tầng khu vực Tây Hà Nội
Lập luận phi lý
Ngày 23/4 mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã có công văn số 47/2020/CV-HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ về việc: “ Đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Bất động sản và người mua nhà, phục vụ Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19 và hiệp lực để phục hồi nền kinh tế”.
Để đưa ra các đề xuất theo chủ quan, tại văn bản nói trên HoREA đã suy diễn không thuyết phục, rằng biến hoạt động ngân hàng đang bình thường trở thành bất bình thường. Để từ đây họ cho rằng NHNN cần can thiệp hành chính hoạt động kinh doanh của NHTM theo Khoản 3, Điều 91 Luật các Tổ chức tín dụng. Xin trích nguyên văn nội dung lập luận của HoREA như sau:
“Hiệp hội nhận thấy, việc Thủ tướng Chính phủ công bố “đại dịch Covid-19” và chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” thì có thể coi là trường hợp bất khả kháng do thiên tai dịch họa dẫn đến “Trường hợp của ngân hàng hoạt đông có diễn biến bất thường, để đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, NHNN có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng” theo khoản 3, điều 91 Luật các tổ chức tín dụng (TCTD).
Không những không thuyết phục, lập luận nói trên của HoREA là phi lý so với cơ chế hoạt động ngân hàng theo Luật NHNN và Luật các TCTD. Một NHTM có dấu hiệu rủi ro cao thông qua kết quả thanh tra, giám sát của NHNN đến mức NHNN phải kiểm soát đặc biệt mới có thể gọi có dấu hiệu hoạt động bất thường. Cả hệ thống chỉ một vài NHTM dính vào diện kiểm soát đặc biệt đã bất an huống chi như cách nhìn của HoREA thì toàn bộ các NHTM đang bị NHNN kiểm soát đặc biệt?
Sao không đề xuất chủ đầu tư giảm giá?
Tại văn bản nêu trên, HoREA đề nghị NHNN xây dựng bộ tiêu chuẩn hoạt động tín dụng đặc thù, chỉ áp dụng cho năm 2020 gồm 8 vấn đề. Điều đáng nói có 3 vấn đề trong đó vừa biến NHTM thành lưới nhặt “bóng” rủi ro cho khách hàng lĩnh vực BĐS, vừa kinh doanh âm lợi nhuận.
Đương nhiên các NHTM không thể chấp nhận các đề xuất phi lý đó, như: (i) Giảm 50% giá trị tài sản thế chấp bảo đảm tiền vay; (ii) Giảm lãi suất cho vay cả dư nợ cũ và vay mới từ 30-50% thời hạn tối thiểu 12 tháng; (iii) Tiếp tục cho cá nhân và hộ gia đình vay mua nhà, được giảm khoảng 30 - 50% lãi vay, giảm tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc thời hạn 12 tháng.
NHTM giảm 30% lãi vay đã lỗ huống chi giảm đến 50% thì chỉ có phá sản. NHTM giảm 50% giá trị tài sản thế chấp thì khác gì họ chơi trò "thả gà vào rừng" đuổi bắt. Khi khách hàng vỡ nợ, có đủ tài sản thế chấp mà NHTM còn khó khăn phát mại để thu hồi nợ huống chi không đủ tài sản thế chấp. Các đề xuất mà HoREA đưa ra là "không tưởng" đối với cơ chế hoạt động của NHTM.
Điều muốn nói ở đây, HoREA đề nghị NHTM ưu đãi để giảm chi phí cho người vay mua nhà để kích cầu thị trường BĐS nhưng tại sao không đề nghị các chủ đầu tư giảm giá nhà ở đang neo ở mức quá cao. Các chủ đầu tư đang lợi dụng cái gọi là tung hô thiếu hụt nguồn cung trên thị trường để đồng thuận tăng giá căn hộ vô tội vạ. HoREA đang kêu cứu BĐS đóng băng nhưng đã mâu thuẫn với quy luật thị thường là thị trường đóng băng thì chủ đầu tư phải hạ giá.
Những tưởng trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 giá nhà sẽ có cơ hội giảm xuống mức hợp lý hơn nhưng không hề có bất cứ tín hiệu nào từ các chủ đầu tư. Với giá nhà hiện nay người có thu nhập khá đã khó có cơ hội mua nhà huống chi những người có thu nhập trung bình trở xuống.