Vậy, tiền đang chảy đi đâu trong khi doanh nghiệp vẫn than khó tiếp cận vốn? Đây là câu hỏi đang rất cần có câu trả lời để nắn dòng tiền đi đúng hướng.
Lãi suất không kỳ hạn dâng cao
Bên cạnh các chương trình khuyến mại, hiện, nhiều ngân hàng đang tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài.
Từ ngày 18/9, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) áp dụng biểu lãi suất huy động VND mới, với mức lãi suất cao nhất 13%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng. Tại ACB, mức lãi suất huy động 13%/năm cũng áp dụng ở kỳ hạn 13 tháng và lãi suất 12,5%/năm áp dụng cho khách hàng gửi tiền trong 12 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Các ngân hàng khác như Eximbank, VietBank…, lãi suất các kỳ hạn dài cũng lên đến 12,9%/năm.
Theo lãnh đạo nhiều ngân hàng, việc các ngân hàng nâng lãi suất huy động kỳ hạn dài hoàn toàn không vi phạm các quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). "Nếu ngân hàng thương mại huy động vốn tốt, hệ số an toàn của ngân hàng sẽ tăng lên, tính chủ động của ngân hàng vì thế cũng cao hơn"- ông Nguyễn Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB nói. Hơn nữa, cuối năm là thời điểm các công ty, doanh nghiệp thực hiện hợp đồng thu mua nguyên liệu, chi trả tiền lương, thưởng nên để đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định, ngân hàng tích cực huy động là điều dễ hiểu.
Việc ngân hàng tăng lãi suất khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn hơn hoặc phải chịu vay với lãi suất cao.Ảnh: Thanh Hải
Cũng có ý kiến cho rằng, thời điểm này, một số doanh nghiệp trước đây vay vốn đã không trả nợ đúng hạn, trong khi ngân hàng vẫn phải trả lãi cho khách hàng. Vì vậy, các ngân hàng đành phải "vay chỗ này bù chỗ kia".
Vốn chảy vào đâu?
Theo số liệu được công bố sau buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, trong khi mức huy động và tổng phương tiện thanh toán tăng mạnh thì mức cho vay ra vẫn rất thấp. Tính đến 20/9, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 2,35% so với cuối năm 2011, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn rất yếu và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 8 - 10% khó có thể đạt được trong 3 tháng còn lại. Tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng huy động tính đến 31/8 lần lượt tăng 10,37% và 11,23% so với cuối năm 2011.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, tăng trưởng huy động vượt 10%, trong khi cho vay chỉ 2,35%; đáng lẽ, tiền đang tràn trề trong ngân hàng, nhưng chỉ là tràn ở những ngân hàng lớn, việc "đói vốn" vẫn diễn ra ở một số ngân hàng nhỏ. Tuy nhiên, nó lại mang tính chất lan tỏa. Chẳng hạn như ngân hàng nhỏ đẩy lãi suất huy động cao, hút khách, ngân hàng lớn cũng không chịu kém, sợ mất khách phải tham gia vào cuộc đua lãi suất. "Đấy là điều bất thường trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay. Đáng lẽ ngân hàng lớn dẫn dắt thị trường, ngược lại ngân hàng nhỏ lại đang đóng vai trò này" - ông Hiếu nhận xét.
Mặc dù tổng phương tiện thanh toán tăng mạnh nhưng mức cho vay ra của các ngân hàng vẫn thấp. Ảnh: Hà Lâm
Rõ ràng, các hoạt động huy động và cho vay đang lệch pha. Vậy, tiền đang ở đâu và chảy đi đâu? Tại sao ngân hàng vẫn sốt sắng tìm mọi cách huy động? Theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, rất có thể tiền đang chảy vào các công ty sân sau của ngân hàng. Đây cũng là lý do tại sao nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn hoặc phải chịu vay với lãi suất cao.
Rõ ràng, tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng đang ngày càng trở nên phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy khó xử lý. Nếu còn tiếp tục được dung dưỡng, tình trạng cho vay công ty sân sau thiếu minh bạch, chắc chắn con số nợ xấu sẽ ngày càng phình to và khó xác định.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, việc ngân hàng đua huy động, thậm chí là vượt trần lãi suất dù tín dụng không tăng đã cho thấy, thanh khoản của ngân hàng đang có vấn đề. Nợ xấu hiện nay như cục nam châm hút vốn huy động, khiến luồng vốn huy động chảy vào ngân hàng mạnh, song chủ yếu được các ngân hàng tập trung vào đảo nợ.
Xem ra, nghẽn mạch tín dụng vẫn là căn bệnh khó chữa nhất trên thị trường tiền tệ thời gian tới, một khi luồng tiền vẫn chạy lòng vòng trong thị trường tài chính và các công ty sân sau của hệ thống ngân hàng.
NHNN cần sớm có biện pháp xóa bỏ mọi hình thức sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp với ngân hàng, mạnh tay xử lý các vi phạm loại này. Với những ngân hàng quản lý tài chính quá yếu, Nhà nước có thể cho giải thể, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và cổ đông chính bằng nguồn thanh lý ngân hàng đó và sự vào cuộc của Bảo hiểm Tiền gửi. TS Nguyễn Đại Lai |