Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng SVB được giải cứu, chứng khoán Mỹ tăng liền 3 phiên

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 có phiên tăng nhẹ nhờ thỏa thuận mua lại tài sản tại Silicon Valley Bank (SVB) đã giúp thúc đẩy cổ phiếu ngân hàng.

Cổ phiếu ngân hàng First Republic cộng 11,8% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/3. Ảnh: AP
Cổ phiếu ngân hàng First Republic cộng 11,8% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/3. Ảnh: AP

Chứng khoán Mỹ tiếp tục diễn biến khởi sắc trong phiên ngày 27/3 khi nhà đầu tư cố gắng gạt bỏ mối lo về cuộc khủng hoảng ngân hàng bùng lên sau vụ sụp đổ của SVB.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số Dow Jones tăng 194,55 điểm (tương đương 0,6%) lên mức 32.432,08 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng  0,2% lên 3.977,53 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,5% còn 11.768,84 điểm.

Cổ phiếu các ngân hàng khu vực đồng loại tăng điểm trong phiên ngày 27/3. Có thời điểm trong phiên giao dịch, chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF leo dốc tới 3%, trước khi chốt phiên với mức tăng khoảng 0,9%. Cổ phiếu ngân hàng First Republic cộng 11,8% sau khi liên tục bị bán tháo trong tuần trước, còn PacWest tăng 3,4%.

Chiến lược gia trưởng Brian Levitt của Invesco nhận định trên đài CNBC hôm 27/3: “Tâm lý giới đầu tư trên sàn Phố Wall được cải thiện khi các nhà hoạch định chính sách có những bước đi quyết đoán để giải quyết những bất ổn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng. Việc mở rộng chương trình cung cấp thanh khoản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giúp giảm quan ngại rằng một loạt những vụ rút tiền ồ ạt có thể sắp xảy ra”.

Bên cạnh đó, một loạt sự kiện tích cực cũng giúp cải thiện tâm lý của thị trường trong lĩnh vực này. Cuối tuần trước, CNBC cho rằng dòng tiền gửi bị rút từ các ngân hàng nhỏ để chuyển sang những ngân hàng lớn như JPMorgan Chase và Wells Fargo đã giảm bớt trong những tuần gần đây.

Bloomberg đưa tin nhà chức trách Mỹ đang cân nhắc mở rộng một chương trình cho vay khẩn cấp dành cho các ngân hàng, qua đó có thể giúp ngân hàng First Republic có thêm thời gian để tăng cường thanh khoản.

Tuần trước, cổ phiếu First Republic “bay” 46,3% vì nhà đầu tư lo ngại rằng kế hoạch trong đó 11 ngân hàng lớn gửi 30 tỷ USD vào First Republic có thể không đủ để cải thiện bảng cân đối kế toán của nhà băng này.

Trong một diễn biến tích cực khác, First Citizens Bank hôm 27/3 đã đồng ý mua lại phần lớn tài sản tại ngân hàng SVB vừa bị sụp đổ. Thương vụ sẽ bao gồm việc mua lại khoảng 72 tỷ USD tài sản của SVB với mức chiết khấu 16,5 tỷ USD. Tuy nhiên, khoảng 90 tỷ USD chứng khoán và các tài sản khác vẫn do Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) tiếp nhận xử lý.

CNBC dẫn lời ông Jan Hatzius - nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, nhận xét: “Chúng tôi tin rằng trong trường hợp cần thiết Bộ Tài chính Mỹ có đủ khả năng đảm bảo cho tiền gửi không thuộc diện bảo hiểm. Chúng tôi không thể loại trừ hoàn toàn khả năng Bộ Tài chính hành động nếu căng thẳng nghiêm trọng quay trở lại trong hệ thống ngân hàng, nhưng xác suất Bộ Tài chính hành động đơn phương là khá thấp”.

Cổ phiếu của ngân hàng Đức Deutsche Bank phục hồi 4,7% trong phiên giao dịch sau khi bị bán tháo trong tuần trước do lo ngại tình trạng tương tự ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse.

Tuy nhiên, cổ phiếu công nghệ có một phiên giảm do lãi suất tăng phủ bóng lên triển vọng của các nhóm cổ phiếu tăng trưởng. Tuần trước, Fed có đợt tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Alphabet, công ty mẹ của công cụ tìm kiếm Google, chứng kiến giá cổ phiếu giảm 2,8% trong phiên đầu tuần. Cổ phiếu Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook, cũng mất  1,5%.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ vừa chứng kiến tuần tăng điểm bất chấp những biến động do Fed nâng lãi suất và khủng hoảng ngân hàng. Chỉ số S&P 500, thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall, đang trên đà hoàn tất tháng 3 với điểm số gần như không thay đổi so với thời điểm cuối tháng 2. Ngày thứ Sáu tuần này sẽ là phiên cuối tháng và cuối quý I, và mức leo dốc của S&P 500 từ đầu năm đến nay hiện đã đạt hơn 3%.

Chuyên gia Mohamed El-Erian - Cố vấn kinh tế trưởng của Allianz, nhận định lạc quan rằng nền kinh tế Mỹ có khả năng tránh được suy thoái, bất chấp những lo ngại về biến động của ngành ngân hàng trong thời gian gần đây.

Chuyên gia El-Erian trước đó đã từng lên tiếng chỉ trích Fed vì đã không hành động sớm hơn để ngăn chặn lạm phát và kêu gọi ngân hàng Trung ương Mỹ cần thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, phát biểu với CNBC hôm 27/3, ông cho rằng lựa chọn khả thi nhất đối với Fed trong thời điểm hiện tại là tạm dừng tăng lãi suất.