Để tăng cường khả năng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN vừa và nhỏ (DNVVN), các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi về vốn vay. Tuy nhiên, việc tiếp cận và xử lý nguồn tín dụng này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Có cải thiện…
Theo thống kê của Hiệp hội DNVVN Việt Nam, số lượng DNVVN chiếm khoảng 97,5% tổng số DN, tạo ra khoảng 45-50% khối lượng hàng tiêu dùng và hàng XK (chiếm 30% kim ngạch XK), đóng góp 40% GDP, đóng góp khoảng 30% tổng số thu ngân sách Nhà nước (2014) và giải quyết được hơn 51% lực lượng lao động toàn quốc.
Nhận thức được tầm quan trọng của lực lượng này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng như các ngân hàng thương mại trong thời gian qua đã có nhiều chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, giảm mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, từ tháng 5-2015, NHNN quy định trần lãi suất cho vay bằng đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên trong đó có DNVVN, thấp hơn 1-2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Theo đó, lãi suất tối đa được điều chỉnh giảm từ 15% xuống 7%/năm và lãi suất cho vay hiện nay chỉ khoảng 40% nửa cuối năm 2011, thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006.
Chính vì thế, dư nợ cho vay của các DNVVN không ngừng tăng trưởng qua các năm và luôn duy trì ở mức khoảng 25% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 8-2015, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống các TCTD đối với DNVVN là 977.088 tỷ đồng, tăng 4,11% so với thời điểm cuối năm 2014. Không những thế, đến cuối tháng 9-2015, NHNN đã triển khai thực hiện được 3 dự án tài trợ NHNN của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với số tiền vay trên 5.000 tỷ đồng, doanh số giải ngân lũy kế đạt 12.715 tỷ đồng với 5.427 lượt DNVVN được vay vốn.
… Nhưng DN vẫn than khó
Mặc dù đã có nhiều cải thiện với tổng mức dư nợ tăng nhưng theo phản ánh của các DNVVN, việc tiếp cận nguồn vốn vẫn còn gặp nhiều khó khăn cả ở nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Bà Nguyễn Thị Lưu, đại diện DN tư nhân Lưu Xuân (Vĩnh Phúc) cho hay, là một DN sản xuất thực phẩm, chế biến nông sản với mục đích hỗ trợ công ăn việc làm cho chị em phụ nữ trong vùng, tuy nhiên, sau 8 năm phát triển thì DN hiện đang gặp khó khăn về tài chính, cần nguồn vốn để mở rộng sản xuất, mua thêm trang thiết bị cải thiện năng suất lao động. Tuy nhiên, do vướng phải những nợ xấu của các năm trước nên hiện các ngân hàng không đồng ý cho DN vay, mặc dù DN có tài sản đảm bảo. Chính vì khó khăn này nên DN đang chịu sự cạnh tranh và mất thị trường tiêu thụ từ các DN khác, khi mà DN cạnh tranh có đủ tài chính để mua trang thiết bị với dây chuyền hiện đại với công suất gấp cả chục lần cùng phương tiện vận tải nhanh chóng.
Theo ông Lê Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường, khi DNVVN mới thành lập thì khó khăn nhiều nhất sẽ ở giai đoạn 5 năm đầu, mặc dù việc tiếp cận nguồn vốn đã thuận lợi hơn nhưng các ngân hàng cần có chính sách ưu tiên cho vay ưu đãi đối với DN mới thành lập, DN khởi nghiệp để DN có thể mua trang thiết bị, phát triển thị trường. Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân của các ngân hàng trong nhiều trường hợp vẫn chưa nhanh, vướng nhiều thủ tục phức tạp.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Việt Nam ví von: DN và ngân hàng vẫn như “hai người chạy hai bờ sông”, mãi không gặp được nhau, nhất là trong bối cảnh kinh tế những năm qua gặp nhiều khó khăn, DN giải thể nhiều nên ngân hàng thắt chặt cơ chế hơn, thậm chí không dám cho vay vì sợ vướng phải nợ khó đòi. Hạn chế trong việc vay vốn hiện nay của các DNVVN là nguồn vốn dài hạn hầu như không có.
Về vấn đề trên, PGS.TS Lê Thị Kim Nhung, Trưởng khoa Tài chính- Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại Hà Nội cho rằng, các DN gặp khó khăn trong việc vay vốn là do còn tồn tại nợ xấu, không đáp ứng được yêu cầu về phương án kinh doanh khả thi và hiệu qua, kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án kinh doanh còn kém. Đặc biệt, nhiều hồ sơ xin vay vốn của DN không đầy đủ, thiếu sự minh bạch và trung thực trong các thông tin về báo cáo tài chính. Chính vì thế, các ngân hàng mới tỏ ra e ngại trong quá trình thẩm định cho vay.
Theo PGS.TS Lê Thị Kim Nhung, để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho DNVVN, các ngân hàng cần xây dựng chính sách tín dụng riêng, xây dựng mô hình chuyên môn hóa tín dụng theo quy mô, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh. Hơn nữa, phía các cơ quan Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho vay trung dài hạn với lãi suất hợp lý để giúp DNVVN đầu tư dài hạn, tạo tiền đề cho phát triển bền vững.
Về phía các DN, ông Lê Thanh Thủy cho rằng cần làm sao để DN và ngân hàng là đối tác của nhau, để việc vay vốn thuận lợi hơn, còn phía các cơ quan Nhà nước cần có những buổi gặp gỡ để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận vốn, tuy nhiên, mọi giải pháp được ra cần được thực thi một cách cụ thể, đi vào thực tế.
Ngân hàng và doanh nghiệp cần là đối tác
|