Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho các bị cáo đã trình bày với Hội đồng xét xử (HĐXX) về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại VNCB với giá 0 đồng có đúng pháp luật? Cụ thể, các luật sư cho rằng, kết quả thẩm vấn tại phiên tòa và hồ sơ vụ án cho thấy, Phạm Công Danh tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín (tiền thân VNCB) trong điều kiện đang lỗ. Sau đó, Danh đổ tiền vào cứu Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) rồi bị sa lầy. Trước đó, nhóm cổ đông Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn đại diện) muốn chuyển nhượng VNCB cho ông Hà Văn Thắm với một điều kiện là cốt sao các thành viên HĐQT được bình yên.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 18/8. Ảnh: Công Tiến |
Theo phân tích của các luật sư, nguyên nhân dẫn đến vụ án không đơn giản chỉ là do Danh. Bởi, theo kết luận của cơ quan thanh tra giám sát NHNN ở thời điểm trước khởi tố vụ án thì vốn chủ sở hữu của VNCB đang âm 18.000 tỷ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo của Tỉnh ủy Long An, dư nợ của nhóm Phương Trang với VNCB lên đến 15.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, khi NHNN quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông VNCB với giá 0 đồng/1 cổ phần, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của VNCB mà chưa được giải thích thỏa đáng cho 554 cổ đông. Với biện pháp này của NHNN, các tài sản VNCB đang nắm giữ để bảo đảm cho các dư nợ tín dụng xử lý như thế nào và các cổ đông có quyền đề nghị NHNN công bố tổng giá trị số tài sản thế chấp (là những tài sản hợp pháp của cổ đông) hiện nay tại VNCB vào thời điểm xảy ra vụ án hay không? – các luật sư đặc ra thắc mắc. Từ những phân tích trên, các luật sư cho rằng, việc NHNN mua lại VNCB với giá 0 đồng trong bối cảnh vụ án hình sự liên quan VNCB đã được khởi tố điều tra là không hợp pháp bởi không có quy định nào đề cập về biện pháp mua bắt buộc bằng 0 đồng (?). Liên quan đến vụ án, Danh bị VKS cáo buộc gây thiệt hại ở hai hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại cho VNCB tổng số tiền là 7.000 tỷ đồng và vi phạm quy định cho vay gây thiệt hại 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo luật sư Phan Trung Hoài, khoản tiền 4.500 tỷ đồng mà VNCB tăng vốn điều lệ đã nộp vào NHNN và hiện do VNCB (nay là CB) nắm giữ vẫn chưa được cân đối. Ngoài ra, trong quá trình nhận chuyển nhượng Trustbank, Tập đoàn Thiên Thanh và bị cáo Danh đã thanh toán cho nhóm bà Phấn 3.658 tỷ đồng. Trong khi đó, bên nhóm bà Phấn chưa chuyển giao quyền về tài sản đối với 9ha đất tại quận 2 và 25ha đất tại huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh). Còn số tiền 913 tỷ đồng mà Tập đoàn Thiên Thanh phải có nghĩa vụ trả thay cho nhóm bà Phấn, Tập đoàn Thiên Thanh đã được Thống đốc NHNN chấp thuận cho phép miễn giảm. Vì vậy, các nguồn tiền, tài sản nêu trên có khả năng cân đối và đảm bảo cho Danh có 12.000 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại của vụ án. Bên cạnh đó, Danh còn đất tại Dự án Sân vận động Chi Lăng mà có nhà đầu tư từng hỏi mua 250 triệu USD.