Ngăn nguy cơ bùng phát cúm gia cầm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh cúm gia cầm (CGC) diễn biến phức tạp và có nguy cơ tiếp tục lan rộng. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động ngăn chặn mối nguy từ dịch bệnh này.

Nguy cơ lây lan cao
Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong hai tháng đầu năm 2020, cả nước xuất hiện 34 ổ dịch CGC, bao gồm 29 ổ dịch H5N6 và 5 ổ dịch H5N1. Đã có 10 tỉnh, TP ghi nhận có gia cầm mắc bệnh, bao gồm cả TP Hà Nội.
Tổng số gia cầm bị chết, buộc phải tiêu hủy là hơn 100.000 con. Đến nay, mới có 1 ổ dịch CGC A/H5N6 tại Quảng Ninh qua 21 ngày không phát sinh. Riêng tại Hà Nội, đến hết tháng 2/2020, đã ghi nhận 4 ổ dịch CGC A/H5N6 xảy ra trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Tổng số gia cầm bị tiêu hủy của 7 hộ là 11.706 con.
 Phun thuốc tiêu độc, khử trùng phòng chống cúm gia cầm tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Trọng Tùng
Đại diện Cục Thú y cho biết, virus CGC A/H5N6 được phát hiện tại Việt Nam năm 2014. Hàng năm, chủng virus này vẫn gây ra các ổ dịch lẻ tẻ trên gia cầm. Điều tích cực là Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc cúm A/H5N6, dù trên thế giới đã có 24 trường hợp mắc, trong đó có 7 người chết vì dịch bệnh này.
Mặc dù vậy, Bộ NN&PTNT dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh CGC có thể tiếp tục xảy ra. Nguyên nhân là bởi hiện nay, tổng đàn gia cầm cả nước rất lớn (467 triệu con). Điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi. Nhu cầu vận chuyển, giết mổ phục vụ tiêu thụ thịt gia cầm trong dịp đầu năm lớn. Đặc biệt là việc tổ chức tiêm vaccine CGC tại một số địa phương đạt thấp, nhất là đối với chăn nuôi nông hộ…
Chủ động vaccine phòng chống
Để chủ động phòng chống dịch CGC, ngày 13/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 172/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch Quốc gia phòng chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 – 2025”. Mới đây, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng đã có Công văn số 167/TTg-NN đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động phòng chống dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm và ở người.
Hàng năm, với sự hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí của Chính phủ Hoa Kỳ, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và các tổ chức quốc tế, Việt Nam thường xuyên chủ động lấy mẫu giám sát virus CGC tại các chợ gia cầm sống, các địa phương vùng biên giới và nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao.
Đặc biệt, công tác tiêm phòng vaccine CGC tiếp tục được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Tính riêng năm 2019, cả nước đã sử dụng trên 400 triệu liều vaccine tiêm cho đàn gia cầm. Hiện, lượng vaccine CGC trong kho của các DN có thể cung ứng cho thị trường khoảng 51 triệu liều. Dự kiến trong năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất 200 triệu liều và nhập khẩu 300 triệu liều vaccine phòng chống CGC.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bên cạnh giải pháp tiêm phòng vaccine, Bộ cũng đang tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt việc xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ nhu cầu sản phẩm gia cầm trong nước và xuất khẩu theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương thường xuyên tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Bộ NN&PTNT vừa đưa ra cảnh báo về việc không loại trừ nguy cơ dịch Covid-19 có thể xuất hiện trên động vật. Chính vì vậy, Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt kế hoạch ứng phó với nguy cơ trên. Giải pháp cụ thể được Bộ NN&PTNT đưa ra là xây dựng một “Trung tâm phòng, chống bệnh truyền lây từ động vật sang người”, nhằm tăng cường năng lực chuẩn đoán, xét nghiệm và phát hiện sớm dịch bệnh trên đàn vật nuôi, cũng như động vật hoang dã...