Ngăn vụ phá sản ngân hàng tiếp theo ở Mỹ, 11 "ông lớn" cùng bơm tiền

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các ngân hàng lớn nhất, chẳng hạn như JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo, đã đồng ý hợp lực ngăn chặn vụ sụp đổ của ngân hàng First Republic - có nguy cơ trở thành ngân hàng thứ 3 của Mỹ phá sản trong vòng chưa đầy 1 tuần.

Tính đến cuối năm 2022, First Republic có tài sản trị giá 212 tỷ USD và 176,4 tỷ USD tiền gửi tính.
Tính đến cuối năm 2022, First Republic có tài sản trị giá 212 tỷ USD và 176,4 tỷ USD tiền gửi tính.

Trong một tuyên bố chung hôm 16/3 (giờ Mỹ), nhóm 11 trong số các ngân hàng lớn nhất ở Mỹ đã công bố gói giải cứu trị giá 30 tỷ USD cho First Republic, sau khi nhận thấy một lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm bị rút ra khỏi ngân hàng có trụ sở tại California. Khoản tiền vượt quá mức 250.000 USD được bảo hiểm bởi Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Hoa Kỳ (FDIC).

Cổ phiếu của First Republic đã giảm hơn 60% vào thứ Hai tuần này, ngay cả sau khi ngân hàng cho biết họ đã nhận được nguồn tài trợ bổ sung từ JPMorgan và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Vào thứ Năm, cổ phiếu của ngân hàng đã giảm tới 36%, nhưng đã tăng trở lại sau khi có báo cáo rằng gói giải cứu đang được thực hiện, kết thúc tăng gần 9%.

JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo đã đồng ý mỗi bên gửi 5 tỷ USD tiền gửi không có bảo hiểm vào First Republic. Trong khi đó, Morgan Stanley và Goldman Sachs sẽ gửi 2,5 tỷ USD mỗi ngân hàng. 5 tỷ USD còn lại sẽ bao gồm khoản đóng góp 1 tỷ USD từ mỗi ngân hàng BNY Mellon, State Street, PNC Bank, Truist và US Bank.

"Hành động của các ngân hàng lớn nhất của Mỹ phản ánh niềm tin của họ vào hệ thống ngân hàng của đất nước" - các ngân hàng cho biết trong tuyên bố chung hôm 16/3. Các cơ quan quản lý ngân hàng của quốc gia cũng đưa ra tuyên bố ủng hộ gói giải cứu - một nỗ lực do các ngân hàng khởi xướng, nhưng có sự hỗ trợ và khuyến khích mạnh mẽ từ Chính phủ Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Quyền Kiểm soát viên Tiền tệ Michael Hsu, Chủ tịch Fed Jerome Powell và Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg cho biết trong một tuyên bố chung: "Việc một nhóm các ngân hàng lớn thể hiện sự hỗ trợ này rất đáng hoan nghênh, và thể hiện khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng".

Được thành lập vào năm 1985, First Republic phục vụ một nhóm khách hàng tương tự như Silicon Valley (SVB) - ngân hàng đã được tuyên bố phá sản hôm 10/3 vừa qua sau khi những người gửi tiền rút khoảng 40 tỷ USD. Cũng đối mặt với cuộc khủng hoảng tương tự như SVB, First Republic có tài sản trị giá 212 tỷ USD và 176,4 tỷ USD tiền gửi tính đến cuối năm ngoái.

Tin tức về gói giải cứu First Republic được tin có thể làm dịu thần kinh của các nhà đầu tư ngành ngân hàng sau vụ phá sản vào tuần trước của SVB - thất bại ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử Mỹ, chỉ sau sự sụp đổ của Washington Mutual năm 2008. Việc đóng cửa SVB hôm 10/3 và ngân hàng Signature có trụ sở tại New York 2 ngày sau đó đã làm sống lại những ký ức tồi tệ về cuộc Khủng hoảng tài chính đã đẩy Mỹ vào thời kỳ suy thoái 2007-2009.

Cuối tuần trước, với quyết tâm khôi phục niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng, Chính phủ Washington đã chuyển sang bảo vệ tất cả các khoản tiền gửi tại các ngân hàng, ngay cả những khoản vượt quá giới hạn 250.000 USD của FDIC cho mỗi tài khoản cá nhân.