Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành chăn nuôi: Chật vật tái đàn

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khan hiếm và giá con giống cao đang là một trở ngại lớn để Hà Nội đạt mục tiêu nâng tổng đàn lợn lên mốc 1,8 triệu con trong năm 2020. Đây là nhận định chung được các DN đưa ra trong hội nghị triển khai một số giải pháp cấp bách phát triển chăn nuôi lợn và phòng, chống dịch bệnh từ nay tới cuối năm 2020 do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức sáng 21/4.

 Chăn nuôi lợn tại huyện Thường Tín. Ảnh: Việt Dũng

Thiếu hụt con giống
Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã yêu cầu các DN chăn nuôi lợn giảm giá lợn hơi bán ra về mức 70.000 đồng/kg, tuy nhiên hiện giá thịt lợn trên thị trường vẫn neo ở mức cao, nhiều cơ sở giết mổ khan hiếm lợn. Giải pháp cấp bách được đưa ra là khẩn trương tái đàn lợn đối với những cơ sở bảo đảm đủ điều kiện an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, giải pháp này trở nên khó khả thi trong bối cảnh hiện nay bởi nguồn cung con giống khan hiếm và giá cả đắt đỏ. Cụ thể, đàn lợn nái, đực giống trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi là 167.000 con, khi xảy ra dịch đã tiêu hủy 68.000 con (khoảng 40%) tổng đàn lợn nái, lợn đực giống. Nhu cầu tái đàn cao, trong khi nguồn cung thiếu đã đẩy giá lợn giống lên cao, hiện dao động 2,5 – 2,8 triệu đồng/con và rất khó mua.
Thời điểm này toàn TP có 1,1 triệu con lợn, bằng 68% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó lợn nái là 130.000 con, số con sơ sinh/nái/năm đạt từ 20 – 22 con. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong tháng ước đạt 17.000 tấn, bằng 60,7%. Tính chung quý I/2020, sản lượng lợn hơi xuất chuồng ước đạt 51.000 tấn, bằng 58,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam Vũ Anh Tuấn cho biết: Vào khoảng thời gian tháng 6 - 7/2019, khi dịch tả lợn châu Phi ở giai đoạn cao điểm, đa phần các công ty sản xuất con giống đều dừng phối nái. Đối với Công ty C.P đã thực hiện giảm tỷ lệ phối nái 12%. Trong khi thời gian nuôi một con lợn sinh sản là trên 11 tháng. Do đó, thời điểm này lượng lợn giống xuất ra của công ty giảm, chỉ đạt khoảng 20% so với lượng hàng đặt.
Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ (Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh cho biết, trung bình mỗi tháng cơ sở này xuất ra 1.000 con lợn con. Tuy nhiên lượng cung này không đủ nhu cầu của người dân. Điều đáng nói là, mặc dù lợn giống do HTX bán ra đều là giống lợn 3 - 4 máu nhưng nhiều cơ sở chăn nuôi vẫn dùng để gây thành lợn giống. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cũng như năng suất chăn nuôi. Để giải quyết được những khó khăn trong việc tái đàn lợn hiện nay, ông Thanh cũng như các DN kiến nghị, TP và Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho cơ sở chăn nuôi lợn nái mua lợn nái bố mẹ; hỗ trợ nhập giống lợn ngoại. Đặc biệt là được tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. 
Nỗ lực đạt chỉ tiêu
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Trong quý I/2020, ngành nông nghiệp TP đang âm 1,18%, trong khi mục tiêu tăng trưởng của ngành năm 2020 là 4,12%. Để đạt được mục tiêu này, yêu cầu mục tiêu tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi phải đạt 6 - 7%. Trong đó, tập trung nâng cao cả về số lượng và chất lượng đàn bò, đàn lợn. Đàn trâu bò phấn đấu đạt 130.000 con; đàn lợn phấn đấu đạt 1,8 triệu con.
Thời điểm này, khi dịch bệnh vẫn phức tạp, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nguy cơ xảy ra cao, nhất là dịch tả lợn châu Phi do chưa có vaccine phòng bệnh. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, ngành nông nghiệp TP đã và đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, mục tiêu của ngành nông nghiệp càng khó khăn hơn.
Theo ông Đăng, giải pháp trước mắt là đề nghị các DN cung cấp sản xuất con giống tiêu thụ nội địa, nhất là mặt hàng thịt lợn. Tăng cường nhập con giống hậu bị từ các tỉnh thành khác trong cả nước. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố, phát triển các hình thức liên kết chăn nuôi giữa các DN và trang trại, giữa các hộ chăn nuôi trong mô hình hợp tác, hợp tác xã. Về giải pháp lâu dài, Sở sẽ tham mưu TP nhập các con lợn giống cụ kỵ, ông bà để nâng cao chất lượng đàn lợn. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi; hỗ trợ vaccine, hóa chất, chế phẩm vi sinh để bảo đảm không phát sinh dịch bệnh.