KTĐT - Năm 2009 đã trở thành mốc thời gian đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong sự phát triển của ngành công nghiệp xe hơi thế giới với 4 sự kiện nổi bật, khiến cho lĩnh vực này sẽ mang một cục diện hoàn toàn mới mẻ.
Bốn sự kiện đó là: sự sụp đổ của General Motors (GM), sự suy tàn của Toyota, sự đi lên của Volkswagen và sự xuất hiện của các dòng xe ôtô điện.
Ngày 1/6/2009, General Motors đã đặt dấu chấm hết cho một thế kỷ hình thành và phát triển của mình bằng thông báo phá sản. Tập đoàn này đã không thể trụ nổi dưới sức nặng của chính bản thân nó, với những đóng góp xã hội và trước sự tấn công của các đối thủ cạnh tranh đến từ Nhật Bản. Ra đời năm 1908, GM đã vươn lên chiếm lĩnh vị trí số 1 thế giới từ những năm 1930, nhờ những sáng tạo trong phân chia thị trường và hợp lý hóa công nghiệp. Dưới sự lãnh đạo của ông chủ huyền thoại Alfred Sloane, General Motors đã cho ra đời khoảng 12 nhãn hiệu, đáp ứng thị hiếu của tất cả các loại khách hàng. Nhưng từ 30 năm trở lại đây, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới đã ngày càng tụt hậu do sản xuất trì trệ, bộ máy cồng kềnh, sức nặng của những cam kết về nghĩa vụ xã hội (hưu trí, y tế) được thỏa thuận với công đoàn từ thời kỳ thịnh vượng. Thêm vào đó, cũng như những người anh em Ford và Chrysler, GM đã không chịu nổi sức ép trước làn sóng du nhập vào Mỹ của các sản phẩm đến từ Nhật Bản: Toyota, Honda hay Nissan, có khả năng cạnh tranh cao hơn về giá cả mà chất lượng lại tốt hơn. Mặc dù năm 2009 đã được quốc hữu hóa bởi chính phủ Mỹ, GM cuối cùng cũng chỉ tồn tại với cái tên, sự sụp đổ của nó đã đặt dấu chấm hết cho một biểu tượng khổng lồ tồn tại từ một thế kỷ nay.
Không ai có thể lường trước mọi biến cố. Năm 2009, Toyota, niềm tự hào của Nhật Bản, sau khi đã đánh bại GM để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, đã suy giảm mạnh hơn cả các đối thủ cạnh tranh của nó trong cuộc khủng hoảng. Tại thị trường Mỹ, nơi mang lại sự thành công của hãng này trên trường thế giới, doanh thu đã giảm 25%, cao hơn cả Ford, Hyundai và Volkswagen. Ở các thị trường mới nổi, doanh thu của Toyota cũng không kém phần bi đát. Tệ hơn nữa, một loạt các khuyến cáo về vấn đề chất lượng của một số dòng xe Toyota đã làm ảnh hưởng đến danh tiếng của hãng. Mô hình sản xuất đại trà xe bình dân giá rẻ để tiếp tục tồn tại, nhưng vẫn phải cạnh tranh gay gắt với ngôi sao mới nổi Hyundai của Hàn Quốc và sắp tới sẽ là với các sản phẩm Trung Quốc. Akio Toyoda, cháu trai của người sáng lập ra hãng này, sắp tới sẽ tiếp quản vị trí Tổng giám đốc điều hành của Katsuaki Watanabe và sẽ phải tìm cách khôi phục lại uy tín về chất lượng sản phẩm, đồng thời cải tiến mẫu mã của các dòng xe để hấp dẫn khách hàng hơn.
Trong khi thị trường xe hơi đang chuyển hướng sang châu Á, thì vẫn có một nhà sản xuất xe hơi nổi tiếng châu Âu, dựa vào thế mạnh của riêng của mình để phát triển. Hãng xe Volkswagen của Đức đã trụ vững hơn các đồng nghiệp nó ở châu Âu và Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng này nhờ hướng tới các thị trường mới nổi như Brazil, Ấn Độ và đặc biệt là Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới và là nơi Volkswagen trở thành nhà cung cấp hàng đầu, trước cả GM và Toyota. Thương hiệu Audi của hãng giờ đây đã sánh ngang hàng với BMW và Mercedes. Trong vòng một năm tới, Volkswagen sẽ nắm quyền kiểm soát đầy đủ thương hiệu Porsche, hiện đang được đánh giá là không kém phần hấp dẫn. Kể từ nay, Volkswagen chỉ việc tiếp tục củng cố vị trí toàn cầu của mình và say sưa trên những đỉnh cao của danh vọng ...
Trong khi những chiếc xe hơi chạy bằng xăng dầu đang dần mất giá, thì những chiếc xe chạy bằng điện lại đang lên ngôi do giá xăng dầu liên tục tăng. Kể từ một năm trở lại đây, người ta chỉ nói đến loại xe đời mới này. Thậm chí nhiều người còn cho rằng những chiếc xe hơi chạy điện sẽ là giải pháp cứu vãn sự suy giảm của ngành công nghiệp ô tô và giúp ngành này phát triển thân thiện với môi trường hơn. Đi tiên phong trong lĩnh vực này là Toyota với việc xuất xưởng các loại xe vừa chạy điện, vừa chạy xăng. Renault Nissan dự kiến sẽ cho ra đời loại xe 100% chạy điện trong hai năm tới. Cả Mỹ, thậm chí cả Trung Quốc cũng hướng tới loại xe này. Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế, những chiếc xe điện tuy có lợi cho sinh thái môi trường, nhưng về hiệu quả thương mại và sự tiện dụng thì còn chưa được như mong muốn. Bởi vì thành phần chính của xe là pin, nhưng chúng lại rất nặng và đắt. Đó chính là điều khiến khách hàng do dự khi lựa chọn dòng xe công nghệ sạch này. Theo dự báo, các loại xe hơi chạy điện trong 10 năm tới sẽ chỉ chiếm 10% thị phần thế giới, nhưng chắc chắn nó sẽ mở ra con đường đi đến tương lai.
Như vậy, Mỹ sẽ không còn là trung tâm của thế giới xe hơi, Nhật Bản không còn là sự lựa chọn duy nhất cho tương lai và công nghệ sạch sẽ mở ra chân trời mới. Ba xu hướng phát triển chủ đạo này, cùng với sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ dẫn dắt ngành công nghiệp xe hơi thế giới hướng tới một kỷ nguyên phát triển mới, cân bằng hơn và thân thiện với môi trường hơn./.