Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam chỉ đạt mức trung bình thế giới

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/9, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo “Chính sách nâng cao chất lượng hàng nông sản và thực phẩm chế biến: Thực trạng, bất cập và giải pháp”.

Thông tin tại hội thảo, bà Lê Thị Bích Thu - đại diện Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay, cả nước có 7.500 cơ sở chế biến nông sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Cùng với đó là hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Mặc dù vậy, công nghệ và chất lượng chế biến nông sản chỉ đạt mức độ trung bình của thế giới.
Sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung tự cấp tiến lên nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn. Đồng thời, sử dụng 1,6 triệu lao động, mang lại mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, nhiều ngành hàng đã hội nhập, tiếp cận được thị trường xuất khẩu của 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. 
 Quang cảnh hội thảo 
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ra một số hạn chế, yếu kém của ngành công nghiệp chế biến. Đơn cử như phần lớn các cơ sở chế biến chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10 - 20%). Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản…
Song song với những thách thức, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, Việt Nam có cơ hội rất lớn để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp chế biến. Sở dĩ vậy là bởi Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú, nhu cầu về sản phẩm chế biến ngày càng cao. Đồng thời, Nhà nước đã và đang có ngày càng nhiều chính sách nhằm khuyến khích, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến…
Để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, cần tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, cần tổ chức sản xuất nguyên liệu, phát triển các cụm liên kết sản xuất nông sản tại các địa phương, vùng miền có sản lượng nông sản lớn. Đẩy mạnh đầu tư vào chế biến nông sản, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển thị trường nông sản.