Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành công thương cần đa dạng thị trường xuất khẩu tránh phụ thuộc Mỹ

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành công thương cần chú ý hơn nữa việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào Mỹ, nếu Mỹ tăng thuế, Việt Nam sẽ rất khó khăn. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Công Thương, tổ chức sáng 27/12.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp do tác động của xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc; xu hướng bảo hộ mậu dịch và việc các nước đang ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD.
Hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2019.

Cụ thể, với kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018, hoàn thành vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (tăng 7 - 8%). Trong khi kim ngạch nhập khẩu được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 4 liên tiếp; kim ngạch nhập khẩu năm 2019 ước đạt 253,5 tỷ USD, tăng 7%.
“Cán cân thương mại năm 2019 ghi nhận mức xuất siêu lên đến 9,94 tỷ USD, góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói.
Thực tế hoạt động xuất khẩu năm 2019 cho thấy khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 4,5% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018; qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung.
Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,33% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,87% của năm 2018 và 81% của năm 2017. Nhật Bản, Mỹ, EU, ASEAN... vẫn là những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm qua. Việt Nam đã xuất siêu vào thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng như Mỹ, EU. Sau một năm CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các nước khu vực này đã tăng đáng kể,…
Về cắt giảm điều kiện kinh doanh, theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong năm 2019,  Bộ Công Thương đã tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm 33 thủ tục hành chính trong tổng số 445 thủ tục hành chính hiện có thuộc phạm vi chức năng quản lý.
Tính đến nay, toàn bộ 445 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý đều đã được Bộ Công Thương công bố và cập nhật công khai đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính… Bộ Công Thương cũng đã thành lập trang tin về hoạt động kiểm tra chuyên ngành và điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để giải đáp những câu hỏi của doanh nghiệp, người dân. Bộ Công Thương cũng là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện việc thí điểm kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá, Bộ Công Thương là đơn vị đi đầu trong cải cách hành chính, ban hành được nhiều chương trình điều kiện kinh doanh rất bài bản. Bộ Công Thương về đích sớm nhất trong việc cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% thủ tục hành chính.
Thủ tướng chứng kiến Bộ Công Thương khai trương thủ tục cấp C/O mẫu D điện tử tại hội nghị tổng kết

Bộ Công Thương cũng đi đầu trong ban hành nghị định đầu tiên của Chính phủ về cắt giảm điều kiện kinh doanh. Trong đó có nhiều nghị định được doanh nghiệp đánh giá cao như Nghị định về xuất khẩu gạo, kinh doanh gas… Một điểm sáng khác, theo ông Vũ Tiến Lộc là ngành điện có thay đổi tích cực về chỉ số tiếp cận điện năng theo xếp hạng thế giới, đạt tốp 4 trong ASEAN.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ Công Thương 3 mục tiêu cần hoàn thành trong năm 2020. Thứ nhất, giao chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp chế biến - chế tạo phải đạt 12%, bởi ngành này là động lực chính cho tăng trưởng dài lâu. Thứ hai, mục tiêu xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD ngay trong năm 2020.

“Đây là con số rất lớn, đòi hỏi các giải pháp và sự nỗ lực. Đi liền với số đó là xuất siêu đạt khoảng 15 - 17 tỷ USD” - Thủ tướng nói. Thứ ba, tăng trưởng thị trường bán lẻ đạt con số khoảng 12%.

Để đạt các mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ cần bám sát sản xuất và thị trường, tháo gỡ vướng mắc xuất nhập khẩu. Triển khai đồng bộ các hiệp định thương mại tự do, phát triển thị trường tiềm năng. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần đa dạng hóa thị trường hơn nữa, không nên quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

“Nếu Mỹ tăng thuế chỉ 5% thì Việt Nam sẽ rất khó khăn. Cần chú ý các thị trường khác cũng rất quan trọng. Tôi đề nghị Bộ nghiên cứu và tính toán thêm” - Thủ tướng nói. Đồng thời chú trọng khai thác thị trường 28 nước EU, các nước ký hiệp định CPTPP với Việt Nam.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần quan tâm các ngành công nghiệp mũi nhọn. Bộ cần đẩy nhanh tái cơ cấu, xử lý các dự án thua lỗ; đảm bảo cung ứng đủ điện trong mọi tình huống, không để mất điện. “Cần đẩy mạnh chống tham nhũng gắn với trách nhiệm nêu gương, xứng đáng với truyền thống của ngành” - Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng nêu ra 5 vấn đề Bộ Công Thương cần lưu ý. Thứ nhất, ngành cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách dài hạn, nhất quán, hướng tới tăng trưởng ổn định, phân bổ sử dụng nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường.

Thứ hai, phát triển công nghiệp Việt Nam thay vì phụ thuộc dầu thô, dầu mỏ sang công nghiệp dựa vào chế biến, sáng tạo. Thứ ba, các cấp, các ngành, địa phương phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, trọng tâm phát triển ngành công thương, tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Thứ tư, tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, tăng năng suất lao động, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát triển một số một số ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, đặc biệt là công nghiệp chế biến. Thứ năm, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Qua đó thúc đẩy xuất khẩu kiểm soát nhập khẩu, theo dõi sát tình hình để có giải pháp kịp thời.