Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành Công Thương vượt khó, cán đích đạt kết quả cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay 31/12, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015.

Năm 2014, cả nước nói chung và ngành công thương nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế thế giới phục hồi chậm, ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, trong khi ở trong nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, ách tắc của doanh nghiệp (DN) trong một số lĩnh vực chậm được tháo gỡ... Những yếu tố đó đã tác động nhất định đến hoạt động SXKD của DN.

Song do triển khai thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/12014 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2014 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, cùng với đó là sự quyết liệt trong điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và sự nỗ lực của các DN, ngành công thương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng
Trong đó, sản xuất công nghiệp (SXCN) tăng trưởng khá, chỉ số SXCN cả năm 2014 tăng 7,6% (năm 2013 tăng 5,9% của năm 2013). Giá trị gia tăng CN tăng khoảng 7,1% (năm 2013 tăng 5,4%). Các ngành SX và phân phối điện và ngành CN chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng có mức tăng trưởng chỉ số SX cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái: SX và phân phối điện tăng 12,1%; CN chế biến, chế tạo tăng 8,7%; ngành khai khoáng tăng 2,5%, cho thấy SXCN đang có xu hướng phục hồi.

Đáng chú ý, SX của một số nhóm ngành CN chế biến có mức tăng trưởng cao (trên 20%) như: Dệt may, da giày, sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học... Một số sản phẩm chủ yếu có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành: Điện SX, thép cán, ô tô, ti vi, vải dệt từ sợi thiên nhiên, biến thế điện, điện thoại di động…

Chỉ số tiêu thụ tăng 11,1% so với năm ngoái, trong đó tăng cao ở những nhóm hàng SX các thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, giày dép, dây cáp điện. Chỉ số tồn kho chung của toàn ngành giảm dần qua các tháng phù hợp với quy luật, hiện nay tồn kho đã ở mức bình thường.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, SXCN năm 2014 ghi nhận sự phục hồi đáng kể của tất cả các nhóm ngành CN. SX của một số nhóm ngành CN chế biến có mức tăng trưởng cao tập trung ở các ngành có thị trường xuất khẩu (XK) ổn định, tỷ trọng lớn, và thị trường trong nước tiêu thụ tốt, đã góp phần đáng kể vào mức tăng chỉ số SXCN năm 2014. Điều này cho thấy công tác phát triển thị trường cả trong và ngoài nước đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy SX.

Về hoạt động thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) năm 2014 đạt 150 tỷ USD, vượt 3,16 điểm % so với kế hoạch, tăng 13,6% so với năm ngoái, trong đó: XK của DN có vốn ĐTNN (không kể dầu thô) hơn 94,4 tỷ USD, tăng 16,7%; XK của các DN trong nước đạt 48,44 tỷ USD tăng 10,4% so với năm ngoái. Năm 2014, có 23 nhóm hàng có KNXK trên 1 tỷ USD.

Tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) đạt 148 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2013. KNNK của các DN có vốn ĐTNN đạt hơn 84,56 tỷ USD, tăng 13,6% và chiếm tỷ trọng hơn 57% tổng KNNK cả nước; KNNK của các DN 100% vốn trong nước đạt hơn 63,49 tỷ USD và chiếm tỷ trọng gần 43% tổng KNNK cả nước, tăng 10,2%.

Xuất siêu năm 2014 đạt 1,984 tỷ USD, trong đó, khối DN ĐTNN (không kể dầu thô) xuất siêu hơn 9,8 tỷ USD. Các DN trong nước nhập siêu khoảng 15 tỷ USD. Việt Nam xuất siêu với thị trường EU, Hoa Kỳ... nhưng vẫn nhập siêu với một số nền kinh tế châu Á. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp từ sau gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam xuất siêu.

Tại thị trường nội địa, cân đối cung cầu hàng hóa kể cả hàng thông dụng và hàng thiết yếu được bảo đảm, đáp ứng các nhu cầu về SX và tiêu dùng của mọi tầng lớp dân cư, không để xảy ra tình trạng sốt giá, sốt hàng. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước được triển khai tích cực cùng với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã từng bước góp phần tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt Nam. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn khó khăn nên nhu cầu tiêu dùng mặc dù vẫn tăng trưởng ở mức hai con số nhưng chưa đạt bằng mức những năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2014 tăng 10,6% so với năm 2013.

Công tác quản lý thị trường được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm; tình trạng nhập lậu một số hàng hoá, trong đó đặc biệt là gia cầm qua biên giới, cơ bản được khống chế, thị trường kinh doanh mũ bảo hiểm đã từng bước được lập lại trật tự, tình hình gian lận trong kinh doanh xăng dầu đã giảm đáng kể...

Năm 2015, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước khoảng 6,2%, ngành Công Thương phấn đấu đạt mục tiêu: Chỉ số SXCN tăng khoảng 7,8-7,9%; tổng KNXK đạt 165 tỷ USD, tăng 10%; tổng KNNK 171 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2014. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng KNXK khoảng dưới 5%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước tăng khoảng 11-12%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5%.

Nhằm đạt được các mục tiêu này, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu toàn ngành thực hiện quyết liệt 5 nhóm giải pháp, gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; đổi mới thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kịp thời chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân.