Lượng khách tăng mạnh
Bà Trần Thị Bạch Yến, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội nhận xét: Khi Thủ đô được mở rộng, tiềm năng du lịch thêm đa dạng, phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch kéo dài thời gian lưu trú lên từ 2 - 3 ngày với các điểm đến là những khu du lịch sinh thái Ao Vua, Thác Đa, Đồng Mô… từ đó tăng mức chi tiêu của du khách.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hà Nội Mai Tiến Dũng cho biết: Nếu như năm 2009, Thủ đô đón được trên 10 triệu lượt khách du lịch thì năm 2010 đã có 12,3 triệu lượt khách chọn Hà Nội làm điểm đến. Từ đầu nămđến nay, Thủ đô đã đón được trên 6,5 triệu lượt khách du lịch tăng 23% so với cùng kỳ 2010. Do lượng khách tăng cao nên thu nhập xã hội từ du lịch năm sau luôn cao hơn năm trước; Năm 2010 đạt 27.000 tỉ đồng, dự kiến trong năm 2011 sẽ đạt 30.000 tỉ đồng và dự kiến đạt 45.000 tỉ đồng vào năm 2015.
Có được như vậy là do bên cạnh việc đẩy mạnh các loại hình du lịch kết hợp như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch hội nghị hội thảo (du lịch MICE) vốn là thế mạnh trước đây của Hà Nội, du lịch Thủ đô đã chú trọng phát triển thêm nhiều loại hình giàu tiềm năng như sinh thái, nghỉ cuối tuần, vui chơi giải trí, làng nghề, làng cổ… vốn là thế mạnh của địa bàn mới được sáp nhập.
Đẩy mạnh đầu tư
Để có thể đón được 16 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2 triệu khách quốc tế vào năm 2015, trong những năm tới, bên cạnh việc đẩy mạnh củng cố những tour, tuyến du lịch cũng như cơ sở lưu trú vốn có thì việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng tour du lịch mới là điều mà ngành du lịch Thủ đô đang cố gắng hoàn thành.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hà Nội cho biết: Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo hướng khai thác lợi thế văn hóa, sinh thái, nhân văn của Thủ đô nghìn năm tuổi là một trong những mục tiêu chính của ngành du lịch Hà Nội trong thời gian tới. Tại qui hoạch phát triển giai đoạn mới, ngành du lịch Hà Nội sẽ tập trung xây dựng 3 - 4 tuyến điểm du lịch văn hóa nổi bật để quảng bá, thu hút khách, đặc biệt chú ý tới việc kết nối tour từ phố cổ tới làng nghề. Ngoài ra, để tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường có mức chi tiêu cao, du lịch Hà Nội đẩy mạnh xây dựng chương trình hành động quốc gia và xúc tiến du lịch giai đoạn 2011 - 2015; Tổ chức định kỳ 2 sự kiện: Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội và Liên hoan ẩm thực Hà thành; Đề xuất với UBND TP phê duyệt một số đề án xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, văn hoá, làng nghề, làng cổ…
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng di tích lịch sử. Đây là điều kiện để phát triển các loại hình du lịch khác nhau. Tuy nhiên, để du lịch Hà Nội trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút được vốn đầu tư trong và ngoài nước thì việc có qui hoạch phát triển du lịch Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030 có hướng đầu tư cụ thể từng giai đoạn nhất định là điều hết sức cần thiết. Với nhiều điều kiện cần và đủ để đẩy mạnh đầu tư, thu hút khách trong những năm tới, du lịch Hà Nội sẽ "cất cánh" và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.