Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành Giáo dục và đào tạo huyện Gia Lâm: Tiếp tục phát huy lá cờ đầu khối huyện

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là địa phương nằm ở khu vực ngoại thành Hà Nội, cơ sở vật chất trường lớp còn nhiều khó khăn, điều kiện của học sinh còn nhiều chênh lệch, nhưng trong những năm qua, ngành GD&ĐT huyện Gia lâm nhiều lần được TP tặng cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu khối huyện.

Năm học 2016 - 2017, ngành GD&ĐT huyện Gia Lâm được Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá xếp loại 13/13 chỉ tiêu đạt tốt và xuất sắc, tiếp tục được UBND TP tặng cờ thi đua xuất sắc.
Những kết quả đáng ghi nhận

Vừa đi kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới của một trường Tiểu học về, thầy Hoàng Việt Cường – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm vui vẻ cho biết: “Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị năm học mới tại các trường trên địa bàn đã cơ bản hoàn tất. Cả thầy cô và học sinh đều rất phấn khởi, háo hức chờ đón ngày khai giảng”.
 Cán bộ, giáo viên huyện Gia Lâm tập huấn về công nghệ thông tin. Ảnh: Thúy Hồng
Năm học 2016 - 2017 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội và của Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Gia Lâm, ngành GD&ĐT huyện Gia Lâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với những thành tích nổi bật. Toàn bộ 22/22 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non (trẻ 5 tuổi đến trường). 22/22 xã, thị trấn đạt PCGD Tiểu học mức độ 3 và THCS mức độ 2. Đồng thời toàn bộ các xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục THPT.

Về chất lượng giáo dục, đối với giáo dục mầm non, tỷ lệ trẻ ra lớp đều đạt và vượt kế hoạch, đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần. Giáo dục tiểu học đạt xấp xỉ 100% về năng lực, phẩm chất; 99,6% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học. Đối với khối THCS, 97,46% học sinh xếp loại văn hóa đạt trung bình trở lên, hơn 99% học sinh xếp loại đạo đức khá, tốt. Đặc biệt, học sinh lớp 9 được xét công nhận tốt nghiệp đạt 99,9%, tỷ lệ thi nghề đạt 97,4%...

Toàn huyện Gia Lâm có 77 trường, trong đó có 71 trường công lập và 6 trường tư thục. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có 22 Trung tâm Học tập cộng đồng (mỗi xã, thị trấn có 1 Trung tâm). Tổng số học sinh tại các trường và Trung tâm là 56.994 học sinh, tăng 2.635 HS so với năm trước. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các trường và trung tâm là 3.880 người. 
Thầy thi đua, trò phấn đấu

Không chỉ phấn đấu đạt chất lượng tốt trong GD&ĐT ở các cấp, thầy và trò tại các trường trên địa bàn huyện Gia Lâm còn không ngừng phấn đấu nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, thể hiện qua các cuộc thi của TP và cả nước.

Năm học 2016 - 2017, ngành GD&ĐT huyện Gia Lâm có 12/12 giáo viên tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi theo các chuyên đề cấp TP, kết quả cả 12 giáo viên đều đạt giải. Tiêu biểu là các nhà trường Tiểu học Cổ Bi, Tiểu học Bát Tràng, Tiểu học Thị trấn Trâu Quỳ, Tiểu học Tiền Phong; THCS Dương Quang, THCS Thị trấn Trâu Quỳ, THCS Bát Tràng, THCS Phú Thị, THCS Kim Sơn, THCS Phù Đổng, THCS Đình Xuyên, THCS Yên Thường. Từ những kết quả này, Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm đã được Sở GD&ĐT Hà Nội tặng giấy khen trong công tác chỉ đạo thi giáo viên giỏi.

Đối với học sinh, trong năm học vừa qua, khối lớp 9 có 123 học sinh dự thi HSG thì có tới 74 học sinh đạt giải, từ giải khuyến khích đến giải nhất. Tại cuộc thi giải toán trên internet, giải toán bằng máy tính cầm tay cấp TP, thi Olympic tiếng Anh trên internet, học sinh huyện Gia Lâm cũng đạt nhiều giải cao cấp quốc gia và TP…

Bên cạnh phong trào giáo viên giỏi và học sinh giỏi, ngành GD&ĐT Gia Lâm còn tổ chức nhiều phong trào, hội thi khác như cuộc thi viết, vẽ “Vì an toàn giao thông Thủ đô năm 2016”, cuộc thi “Tin học trẻ không chuyên”, cuộc thi “Nhân viên nuôi dưỡng giỏi”, thi “Thiết kế bài giảng E-learning”, thu hút sự tham gia của nhiều giáo viên, học sinh, trong đó có nhiều giáo viên, học sinh đạt giải.

Đánh giá về kết quả năm học 2016 - 2017, thầy Hoàng Việt Cường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm cho biết, các chỉ tiêu về số lượng, chất lượng đều đạt và vượt so với kế hoạch, được Sở GD&ĐT đánh giá cao và được UBND TP tặng cờ thi đua xuất sắc. Tuy nhiên, công tác GD&ĐT của huyện cũng còn một số khó khăn, nhất là cơ sở vật chất. Theo thầy Hoàng Việt Cường, hiện số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện còn thấp, các trường đã đạt chuẩn bắt đầu xuống cấp về cơ sở vật chất, không đảm bảo về quy mô. Công tác quản lý các nhóm lớp mầm non tư thục còn nhiều khó khăn. Công tác xã hội hóa giáo dục còn nhiều hạn chế. Việc chỉ đạo về phổ cập giáo dục, về hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng ở một số xã, thị trấn còn chưa được quan tâm…

Sẵn sàng cho những mục tiêu mới

Năm học 2017 – 2018, phát huy những thành tích và kết quả đã đạt được, ngành GD&ĐT huyện Gia Lâm tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ chủ yếu, gồm: Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục. Thực hiện kỷ cương hành chính và cải cách công vụ. Đồng thời phát triển mạng lưới, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục và đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục.

Để làm tốt các nhiệm vụ trên, ngành GD&ĐT Gia Lâm đề nghị cấp huyện và TP tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường học, đặc biệt là các trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia năm 2017, các trường có các hạng mục xuống cấp. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm đến công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, giáo viên về mọi mặt nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục. Chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý cấp phép đối với nhóm lớp mầm non tư thục, đẩy mạnh công tác điều tra và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, đẩy mạnh công tác khuyến học và hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng.
Năm học 2017 – 2018, ngành GD&ĐT huyện Gia Lâm đặt chỉ tiêu phấn đấu: 100% các xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục Mầm non, Tiểu học, THCS. Chất lượng các cấp học đạt xếp loại văn hóa trung bình từ 97% trở lên, xếp loại đạo đức từ 99% trở lên. Về đội ngũ cán bộ - giáo viên, phấn đấu đạt trình độ trên chuẩn từ 70% (cấp Mầm non); 95% (cấp Tiểu học) và  82% (cấp THCS). Trong đó,  70% cán bộ - giáo viên có trình độ tin học, ngoại ngữ A2 trở lên. Xây dựng từ 3 đến 5 trường đạt chuẩn quốc gia.